Ngày 6/4, lực lượng trung thành với Tổng thống đắc cử được quốc tế công nhận Alassane Ouattara tiếp tục tấn công vào thành trì của Tổng thống thất cử Laurent Gbagbo ở thủ đô Abigiăng. Nguồn tin từ chính phủ Pháp cho phóng viên hãng AFP biết, trong một nỗ lực nhằm bắt sống Tổng thống thất cử Gbagbo, phe của ông Ouattara đã dồn sức tấn công vào dinh tổng thống và tư dinh của ông Gbagbo, nơi chính khách này đang phải cố thủ trong boongke ngầm dưới lòng đất.
Lực lượng ủng hộ ông Ouattara chuẩn bị cho cuộc tấn công vào thành trì của ông Gbagbo ngày 6/4. |
Những người ủng hộ ông Gbagbo cùng ngày cáo buộc quân đội Pháp và quân của Tổng thống đắc cử Ouattara tìm cách “ám sát” Tổng thống thất cử Gbagbo. Trong khi đó, Pháp khẳng định lực lượng của nước này tại Cốt Đivoa “không liên quan” tới cuộc tổng tấn công của lực lượng ủng hộ ông Ouattara nhằm vào thành trì của ông Gbagbo.
Trước đó, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Pháp, Tổng thống thất cử Gbagbo đã bác bỏ yêu cầu của Pháp đòi ông từ chức và công nhận ông Outtara làm tổng thống mới của Cốt Đivoa. Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại kéo dài 20 phút, ông Gbagbo tuyên bố không công nhận chiến thắng của ông Outtara trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2010 và từ chối ký một văn kiện từ chức do Pháp soạn thảo. Ông Gbagbo cho biết quân đội Cốt Đivoa đã kêu gọi ngừng bắn, song bác bỏ các thông tin nói rằng sẵn sàng đầu hàng và khẳng định rằng ông là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm ngoái.
Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 6/4 đã kêu gọi Tổng thống thất cử Gbagbo từ chức ngay lập tức và lực lượng ủng hộ ông Gbagbo hạ vũ khí nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực hậu bầu cử tại quốc gia Tây Phi này. Tổng thống Mỹ tuyên bố ủng hộ vai trò của các binh sĩ gìn giữ hòa bình LHQ và Pháp trong nỗ lực bảo vệ dân thường trước các cuộc giao tranh của hai lực lượng đối lập ở Cốt Đivoa. Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) cùng ngày cũng hối thúc ông Gbagbo từ chức, bày tỏ hy vọng rằng Tổng thống thất cử của Cốt Đivoa sẽ sớm công nhận và chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho Tổng thống đắc cử Ouattara để nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Cốt Đivoa. AU đã cử một số phái đoàn cấp cao tới Abigiăng để thuyết phục ông Gbagbo từ chức, song đến nay vẫn chưa có bước đột phá nào.
Theo một quan chức giấu tên của LHQ ngày 6/4, ông Gbagbo vẫn chưa đầu hàng, nhưng đã đề xuất muốn làm điều đó và đã yêu cầu LHQ bảo vệ. Trong khi đó, Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) tuyên bố sẽ bảo đảm “một sự ra đi an toàn và trong danh dự” nếu Tổng thống thất cử Gbagbo quyết định từ bỏ quyền lực ở Cốt Đivoa.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày 6/4, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ của ông Gbagbo, theo đó cấm mọi hoạt động mua bán trái phiếu, chứng khoán cũng như việc cung cấp các khoản cho vay đối với chính phủ của chính trị gia này. Tuy nhiên, lệnh cấm sẽ được miễn trừ đối với những khoản tiền sử dụng vì mục đích nhân đạo. Ngoài ra, EU cũng bổ sung danh sách các cá nhân bị cấm nhập cảnh vào các nước thành viên liên minh và phong tỏa tài sản. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ hôm nay (7/4).
H.H