Trung Quốc bước vào năm 2019 với nhiều thách thức, đặc biệt là từ việc nền kinh tế đang chiến tranh thương mại với Mỹ kéo dài hơn 200 ngày. Trong khi đó, năm 2019 của Ấn Độ có sự kiện quan trọng đặc biệt đó là cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 4 và 5.
Vì nhiều lý do, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tập trung đảm bảo không xảy ra biến cố trong quan hệ song phương. Chỉ cách đây 2 năm, quan hệ Ấn-Trung gần như rơi vào tình trạng đóng băng do bất đồng liên quan đến khu vực biên giới Doklam.
Tháng 6/2017, 16 quân nhân Trung Quốc và nhiều công nhân xây dựng đã thi công một con đường qua cao nguyên Doklam nằm tại khu vực biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Sự việc này châm ngòi cho 10 tuần căng thẳng giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ. Hai quốc gia hàng xóm đều cử binh sĩ “trông coi” sát sao nhau ở biên giới. Đến ngày 28/8/2017, cả hai quyết định rút quân sau các cuộc đàm phán bí mật giữa Bắc Kinh và New Delhi dẫn tới kết quả ngừng thi công con đường tại Doklam.
Kể từ đó đến nay, Ấn Độ và Trung Quốc đã nỗ lực hâm nóng quan hệ song phương, đơn cử như hội nghị tại Vũ Hán trong tháng 4/2018 giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết Chủ tịch Trung Quốc có thể sẽ sớm đến Ấn Độ cho cuộc họp tương tự thứ hai.
Ấn Độ vẫn luôn theo dõi sát sao cách Trung Quốc xử lý hai thách thức lớn của quốc gia này là chuyển đổi kinh tế nội địa và chiến tranh thương mại với Mỹ. Sau tất cả, Ấn Độ có mối bận tâm đặc biệt tới những vấn đề này của Trung Quốc.
Về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, giới chức Ấn Độ cho rằng cuộc chiến không khói súng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mở những cánh cửa mà Bắc Kinh vẫn đóng từ lâu, đặc biệt là khi Trung Quốc muốn đa dạng nông sản nhập khẩu. Tại Vũ Hán, Thủ tướng Modi đã đề nghị Chủ tịch Tập Cận Bình mở cửa thị trường cho gạo Ấn Độ.
Về kinh tế nội địa Trung Quốc, các công ty Ấn Độ rất quan tâm đến kế hoạch “Made in China 2025” và coi đây là cơ hội. Trong khi doanh nghiệp phương Tây cẩn trọng với yêu cầu chuyển giao công nghệ để làm việc tại Trung Quốc thì Ấn Độ lại có hướng đi khác. Nhiều công ty công nghệ thông tin Ấn Độ đã hợp tác với chính quyền địa phương Trung Quốc như Quý Dương tại tỉnh Quý Châu hay Đại Liên tại Liêu Ninh. Trong tháng 5/2018, chính phủ Ấn Độ và Trung Quốc khởi động sáng kiến hợp tác công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu phần mềm cho doanh nghiệp Trung Quốc thuộc khuôn khổ kế hoạch “Made in China 2025”.
Bên cạnh đó, tại Vũ Hán, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Kong Xuanyou cho biết nên hướng đến dự án “Trung Quốc Ấn Độ cộng một”. Bước đầu tiên của dự án “Trung Quốc Ấn Độ cộng một” đã được triển khai trong năm 2018, đó là đào tạo các nhà ngoại giao Afghanistan.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Modi khi gặp gỡ trong tháng 6/2017 đã nhấn mạnh hai điểm trong quan hệ song phương: đầu tiên là những khác biệt không nên biến thành tranh chấp và thứ hai là trong thế giới nhiều biến động cả Bắc Kinh cùng New Delhi nên trở thành nhân tố ổn định.
Và trong năm 2018 vừa qua, Trung Quốc đã cố gắng hơn để thân thiện với láng giềng khi chịu nhiều áp lực từ Mỹ. Trong khi đó, Ấn Độ vẫn muốn kết thân với những quốc gia có quan điểm tương đồng cùng lo ngại về tham vọng của Trung Quốc.