Quan hệ hiếm có trong chính giới
Lần đầu tiên gặp gỡ, ông Biden là thượng nghĩ sĩ trong độ tuổi tứ tuần còn ông Netanyahu là một nhà ngoại giao mới ở độ tuổi 30.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết Tổng thống Biden vốn hình thành mối liên hệ với Israel từ gần nửa thế kỷ trước, khi ông là Thượng nghị sĩ đại diện bang Delaware và gặp Thủ tướng Israel Golda Meir năm 1973. Trong khi đó, ông Biden lần đầu “chạm mặt” ông Netanyahu là vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Ở thời điểm đó, ông Biden là Thượng nghị sĩ tại Ủy ban Đối Ngoại còn ông Netanyahu công tác ở Đại sứ quán Israel tại Washington, DC.
Khi ông Netanyahu thất bại trước ông Ehud Barak trong cuộc bầu cử 3 năm sau đó, ông Biden vẫn giữ liên lạc, thỉnh thoảng viết thư gửi cho người bạn Israel, điều hiếm khi xảy ra giữa các chính trị gia.
Thời gian trôi đi, ông Netanyahu vẫn ghé thăm văn phòng của ông Biden trong những chuyến công du Mỹ. Nhưng tình bằng hữu của họ trải qua thử thách khi ông Biden trở thành Phó Tổng thống Mỹ trong chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama. Thủ tướng Netanyahu có 8 năm quan hệ “lục đục” với chính quyền Barack Obama xoay quanh chính sách của Israel với Palestine và thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 cùng Iran.
Khi ông Biden đến Israel năm 2010, chính phủ của Thủ tướng Netanyahu công bố về khu tái định cư mới được xây dựng ở Đông Jerusalem. Ngoại trưởng Mỹ khi đó Hillary Clinton đã chỉ trích diễn biến này.
Bất chấp một số cản trở, mối quan hệ cá nhân giữa ông Netanyahu và Biden vẫn được duy trì. Năm 2014, ông Biden thừa nhận từng nói với người bạn Netanyahu: “Tôi không đồng ý với những điều ông nói, nhưng tôi vẫn yêu mến ông”.
Tuy nhiên, điều này đã thay đổi.
CNN đánh giá ông Netanyahu đã thay đổi quan điểm từ một Thủ tướng ủng hộ giải pháp 2 nhà nước qua bài phát biểu năm 2009 sang ủng hộ chính sách quan điểm Trung Đông của ông Donald Trump với chủ trương ngược lại. Trong 14 năm lãnh đạo, ông Netanyahu đã dẫn dắt chính phủ “đa sắc màu” từ cánh tả, cánh hữu cho đến trung dung.
Quan hệ giữa ông Netanyahu và ông Trump
Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), đối với Thủ tướng Netanyahu, mối quan hệ thân thiết với cựu Tổng thống Trump là một món quà. Trước cuộc bầu cử tại Israel tháng 4/2019, Mỹ công nhận Cao nguyên Golan thuộc Tel Aviv. Tổng thống Trump ghi nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới đây. Bên cạnh đó là việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Tiếp đó, trước cuộc bầu cử tại Israel tháng 3/2020, ông Trump đã tiết lộ kế hoạch hòa bình Trung Đông với ông Netanyahu đứng cạnh bên.
Đổi lại, ông Netanyahu dường như cũng thể hiện là đồng minh gần gũi của đảng Cộng hòa Mỹ. Thậm chí khu tái định cư mới ở Cao nguyên Golan còn được đặt tên theo cựu Tổng thống Mỹ là “Cao nguyên Trump”. Khi đến Nhà Trắng ký Hiệp định Abraham cùng ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain, ông Netanyahu đã không gặp gỡ bất cứ chính khách nào thuộc đảng Dân chủ.
Bộ trưởng Nội các Israel Tzachi Hanegbi khẳng định rằng chính sách của ông Netanyahu không thiên về đảng Dân chủ hay Cộng hòa mà chỉ dựa trên nhu cầu của Tel Aviv. Ông Tzachi Hanegbi cũng chia sẻ: “Tất nhiên ông Netanyahu luôn hài lòng với chính sách của Tổng thống Trump”.
Nhà lãnh đạo Israel Netanyahu đã ủng hộ nhiệt tình Donald Trump trong thời gian ông này giữ chức vụ ông chủ Nhà Trắng. Theo CNN, Thủ tướng Netanyahu chưa từng công khai chỉ trích cựu Tổng thống Trump.
Nhưng với cuộc bầu cử sắp tới, phong tỏa quốc gia lần thứ ba, và phiên tòa về cáo buộc tham nhũng thì nhà lãnh đạo tại vị lâu năm Netanyahu sẽ phải phối hợp với nhân vật đã đánh bật ông Trump ra khỏi phòng Bầu Dục - Tổng thống Biden.
Liệu tình bạn có đổi thay?
Nay ông Netanyahu lại đối mặt với cuộc bầu cử thứ 4 trong 2 năm. Trước đây ông Netanyahu từng được lợi ích chính trị từ việc chỉ trích cựu Tổng thống Obama, thể hiện cho công chúng Israel thấy ông sẵn sàng đứng lên đối đầu với lãnh đạo Mỹ. Và đến nay, ông phải quyết định liệu có làm điều tương tự với Tổng thống Biden hay không.
Ông David Makovsky tại Viện nghiên cứu Cận Đông Washington đánh giá: “Mối quan hệ của Israel với Obama đóng băng bởi khởi điểm tồi tệ và không thể khôi phục. Nhưng ông Biden là người được Israel biết đến vì đã hiện diện trong thời gian dài”.
Quan điểm của chính quyền ông Biden với thỏa thuận hạt nhân Iran nằm trong danh sách ưu tiên của Israel. Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 chính là nguyên nhân dẫn đến một trong những bất đồng giữa cựu Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu. Kênh CNN đánh giá 4 năm gần đây sẽ gây phức tạp cho mục tiêu 4 năm tới của Tổng thống Biden trong việc đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ngoài ra, tân Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken cũng công khai ghi nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và nói rằng sẽ không đưa đại sứ quán Mỹ từ Jerusalem về Tel Aviv.
Nhưng Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh ông Biden vẫn coi giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất giải quyết xung đột Palestine-Israel. Các chuyên gia dự đoán nhiều khả năng ông Biden muốn hạn chế việc mở rộng khu tái định cư ở Bờ Tây.