Tờ Al Jazeera dẫn nhận định của các chuyên gia cho biết mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran có thể gây “đau đầu” về kinh tế đối với Trung Quốc nhưng lại hình thành cơ hội cho Triều Tiên.
Việc Tổng thống Donald Trump ra lệnh sát hại chỉ huy đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - Thiếu tướng Qasem Soleimani ngày 3/1 và Iran phóng tên lửa vào hai căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq ngày 8/1 để đáp trả vụ việc này đã gây rủi ro về bất ổn định tại Trung Đông. Điều này khiến Trung Quốc lo lắng bởi nước này là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Vùng Vịnh.
Kể từ tháng 10/2019, Saudi Arabia và Iraq đã xuất khẩu 100.000 thùng dầu/ngày tới Trung Quốc. Bắc Kinh cũng là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Iran. Trong tháng 11/2019, Trung Quốc đã mua 539.106 tấn dầu thô của Iran.
Tờ Global Times ngày 8/1 đăng bài chỉ trích việc Tổng thống Trump sử dụng căng thẳng với Iran để gây tổn hại cho kinh tế Trung Quốc. “Trung Quốc ngày càng dựa vào năng lượng từ Iran cùng các quốc gia Trung Đông khác. Điều này khiến Bắc Kinh có thể bị tổn thương trước bất ổn trong khu vực”.
Trung Quốc còn tham gia tập trận hải quân chung với Iran và Nga tại Vịnh Oman trong tháng 12/2019.
Nhà phân tích Kaho Yu tại công ty Verisk Maplecroft (Singapore) cho biết: “Trung Quốc chủ trương tránh xích mích trong quan hệ với Mỹ. Ưu tiên trong chính sách đối ngoại hiện nay của Bắc Kinh là đảm bảo ổn định khu vực và kết thúc chiến tranh thương mại”.
Kể từ năm 2018, Trung Quốc và Mỹ đã rơi vào chiến tranh thương mại gây nhiều ảnh hưởng. Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng chỉ 6% trong quý cuối năm 2019, mức thấp nhất kể từ năm 1992.
Nhà sáng lập công ty dữ liệu công nghệ Complete Intelligence (Mỹ) - Tony Nash đánh giá Trung Quốc không muốn duy trì chiến tranh thương mại dài lâu.
Trong khi đó, nhà phân tích Kaho Yu cho rằng nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ lợi dụng Iran là “quân bài” trong đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Trong tháng 9/2019, Nhà Trắng đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số công ty và công dân Trung Quốc do “tham gia vận chuyển” dầu thô với Iran vi phạm lệnh trừng phạt Washington áp đặt lên Tehran.
Về phần Triều Tiên, căng thẳng Iran-Mỹ nhiều khả năng sẽ gây ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của nước này. Ông Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha (Hàn Quốc) nhận định: “Việc Mỹ sát hại một vị Tướng cấp cao của Iran có thể khiến Triều Tiên phải suy nghĩ lại về động thái khiêu khích trong thời gian tới”.
Ông Anthony Rinna tại nhóm nghiên cứu SinoNK cho rằng cái chết của Tướng Soleimani sẽ gây ảnh hưởng đến chiến lược Triều Tiên của Tổng thống Trump.
Theo ông Anthony Rinna, với các chính sách đối ngoại nhiều rủi ro của Mỹ, các quốc gia khác có thể không sẵn sàng hợp tác với Washington. Ông Rinna nêu rõ: “Với mối quan hệ Mỹ-Iran leo thang căng thẳng hiện tại, các quốc gia khác vốn ủng hộ Triều Tiên phi hạt nhân có thể sẽ không còn sẵn sàng tin tưởng Mỹ”.