Tại cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra hôm 3/9, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng “hai bên hoàn toàn nhất trí với nhau”. Tổng thống Putin trước đó cũng nói rằng quan hệ Nga – Trung đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử. Kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết hơn 20 thỏa thuận hợp tác song phương trong các lĩnh vực như năng lượng, thương mại và giao lưu nhân dân.
Lãnh đạo Trung Quốc, Nga chứng kiến lễ ký các thỏa thuận hợp tác song phương hôm 3/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thế nhưng thực tế không hẳn toàn màu hồng. Hàng loạt những dự án hợp tác lớn về cơ sở hạ tầng đã không được hoàn tất qua các cuộc tiếp xúc. Novatek, nhà sản xuất khí đốt độc lập lớn nhất của Nga, đã không nhận được cam kết trợ giúp tài chính từ phía Trung Quốc đối với dự án khí hóa lỏng Yamal trị giá 27 tỉ USD tại Bắc Cực, có sự tham gia của tập đoàn Total (Pháp) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).
Mong đợi về một sự đột phá tại siêu dự án Đường ống khí đốt Altai (Sức mạnh Siberi-2) cũng không thành hiện thực, khi phía Trung Quốc không chịu cung cấp tín dụng cho Gazprom trong bối cảnh tập đoàn khí đốt Nga gặp khó về tài chính. Hai bên cũng tiếp tục bế tắc về vấn đề giá bán khí đốt trong dự án này. Chính sự đình trệ trong các chương trình hợp tác kinh tế với tổng mức đầu tư cam kết lên đến 113 tỉ USD khiến nhiều người đặt câu hỏi về điểm giới hạn trong quan hệ Nga - Trung.
Đầu tiên, Nga - hơn bất kì một quốc gia nào khác, là nước cảm nhận được những tác động từ việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Số liệu mới nhất cho thấy, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7% trong quý 2, thấp hơn mức 7,7% của quý trước đó. Xu thế này cùng với những bất ổn trên thị trường chứng khoán đại lục đã đưa tới hệ quả giá hàng hóa toàn cầu giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp tới Nga, khi Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu thô lớn nhất thế giới.
Thách thức kế tiếp chính là triển vọng hợp tác ở Trung Á – khu vực mà Moskva xem là có tầm quan trọng chiến lược. Nhiều năm qua, Nga từng ấp ủ kế hoạch xây dựng “Con đường Tơ lụa mới” nối Trung Quốc với châu Âu thông qua các tuyến giao thông xuyên lục địa ở Siberia – cụ thể là ở Kazakhstan và miền Trung nước Nga. Thế nhưng dự định vẫn chỉ nằm trên giấy, Nga chưa hề bắt tay xây dựng các tuyến đường sắt, đường bộ nối giữa biên giới miền đông và miền tây.
Đó cũng là một phần lý do khiến Trung Quốc quyết định chọn cung đường phía nam với tên gọi “Con đường tơ lụa trên biển”, hướng sự chú ý về Iran với ý định tái kết nối “con đường tơ lụa” xuyên lục địa tới dải phía nam biển Caspi, không đi qua Nga. Ngày nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc đổ vào Kazakhstan gấp 10,5 lần FDI vào Nga và có rất ít cơ hội để Moskva giành được “thị phần lớn” về “điểm trung chuyển” hàng hóa giữa châu Á - châu Âu.
Chiến lược “xoay trục sang phương Đông” của Nga với Trung Quốc là đối tác chủ đạo đang ở giai đoạn không thuận, do cả hai đều gặp phải những khó khăn nhất định. Trên thực tế, bức tranh toàn cảnh về hợp tác kinh tế Nga - Trung còn xa mới được như mong đợi. Mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 100 tỉ USD vào cuối năm nay mà hai bên tuyên bố là không khả thi. Từ mức đỉnh 88,8 tỉ USD (2013), kim ngạch này giảm nhẹ xuống 88,3 tỉ USD (2014) và rớt mạnh xuống chỉ còn 30,6 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2015. Trong bối cảnh bị Mỹ, phương Tây tăng cường cấm vận, trừng phạt, thắt chặt dòng vốn, mong đợi của Mosvka về nguồn FDI tăng mạnh từ Trung Quốc cũng tan dần, khi mà tổng mức FDI này chỉ đạt 1,6 tỉ USD cho cả năm 2014, rất nhỏ so với con số 151 tỉ USD "tháo chạy" khỏi Nga cùng thời kì.
Khi nền tảng quan trọng nhất là hợp tác kinh tế mất đà, rất khó để Nga và Trung Quốc đẩy quan hệ song phương lên tầm mức như tuyên bố.
Hoài Thanh (Theo Moscotimes, Nikkei)