Quan hệ ngoại giao giữa Croatia và Serbia bất ngờ trở nên căng thẳng hôm 17/7 sau khi Zagreb cấm điều mà Serbia nói là chuyến thăm của Tổng thống Aleksandar Vucic, tới Jasenovac, địa điểm từng là trại tập trung khét tiếng trong Thế chiến II ở Croatia, nơi hàng nghìn người Serb đã thiệt mạng.
Các quan chức Serbia lưu ý rằng, sau cảnh báo trên từ Croatia, thành viên EU, ông Vučić đã hủy chuyến thăm “vì lợi ích của mối quan hệ tốt đẹp”.
Tờ Danas của Serbia đã đăng công hàm mà Croatia gửi tới Serbia, trong đó nhắc nhở Belgrade rằng "mọi chuyến thăm của một quan chức nước ngoài cần phải có sự phối hợp của hai bên".
“Việc Croatia không được thông báo chính thức về chuyến thăm là không thể chấp nhận được,” Bộ Ngoại giao Croatia cho biết, chỉ ra rằng bất kỳ chuyến thăm nào của một quan chức nước ngoài cấp cao tới khu tưởng niệm Jasenovac “không thể mang tính chất cá nhân và một khi các điều kiện cho chuyến thăm đã được đáp ứng, chuyến thăm sẽ được đồng ý thông qua các kênh ngoại giao thông thường".
Hơn nữa, Bộ trưởng Ngoại giao Croatia Gordan Grlić-Radman nói rằng "tổng thống của một quốc gia là một người được bảo vệ và việc thực hiện chuyến thăm như vậy đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan chức năng của Croatia".
Giới chức Serbia ngay lập tức phản ứng bằng cách đưa ra các hạn chế đối với các quan chức Croatia đi qua lãnh thổ của nước này.
"Kể từ hôm nay, tất cả các quan chức của Croatia, tất cả những người có hộ chiếu chính thức hoặc ngoại giao, sẽ phải thông báo và giải thích cụ thể về chuyến thăm hoặc việc đi qua Serbia của họ và sẽ được đặt trong một chế độ kiểm soát đặc biệt", Bộ trưởng Nội vụ Serbia Aleksandar Vulin cho biết.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Serbia Zorana Mihajlović, cũng phụ trách lĩnh vực khai thác và năng lượng, đã hủy chuyến công du chính thức tới Zagreb để phản đối lệnh cấm của Croatia.
Một số phương tiện truyền thông Croatia cho rằng quyết định đột ngột của ông Vučić đến thăm Jasenovac được thiết kế để đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng trước thông tin rằng một máy bay thuộc sở hữu của Ukraine chở 11 tấn vũ khí của Serbia đến Bangladesh đã bị rơi ở miền bắc Hy Lạp.
Đài Châu Âu Tự do đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Nebojsa Stefanović đã xác nhận rằng vũ khí trên máy bay được sản xuất tại Serbia và mọi thứ được thực hiện “phù hợp với các quy tắc quốc tế”.
“Trong mọi trường hợp, thật khó hiểu mục đích chuyến thăm nhưng thất bại của ông Vučić là gì, nhưng rõ ràng là nó sẽ không mang lại bất kỳ điều gì tốt đẹp cho mối quan hệ song phương của Croatia và Serbia, hoặc cho cộng đồng người Serb ở Croatia", một bài bình luận trên trang tin Telegram của Croatia cho biết.
Mối quan hệ giữa Serbia và Croatia đã trở nên căng thẳng kể từ khi Croatia tuyên bố độc lập khỏi Nam Tư cũ vào năm 1991. Nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc Serbia đã cáo buộc Chính phủ Croatia không đối mặt với các hành động được thực hiện trên lãnh thổ của mình trong Thế chiến thứ hai.
Trong khi đó, chính phủ Croatia cáo buộc Belgrade sử dụng vấn đề này vì lý do chính trị nội bộ và không giải quyết vai trò của mình trong các cuộc chiến tranh Balkan 1992-1995.