Quan hệ Nhật - Hàn và vụ xả nước thải Fukushima

Tại hội nghị thượng đỉnh 3 bên tại Trại David vào ngày 18/8 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, những kỳ vọng đó sẽ gặp thách thức khi Tokyo bắt đầu kế hoạch xả nước từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển.

Chú thích ảnh
Các bể chứa nước thải nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima, Đông Bắc Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Dẫn lời 4 quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc giấu tên, hãng Reuters cho biết Tokyo đã trì hoãn xả nước thải để tránh kích động phe đối lập chính trị ở Hàn Quốc trước khi Tổng thống Yoon Suk Yeol cùng với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dự hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Mỹ Biden tại Trại David.

Việc xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý có thể sẽ được triển khai vài ngày sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc. Mục tiêu sau hội nghị lần này là Washington đang cần các đồng minh châu Á hợp tác với nhau để đối phó với các vấn đề trong khu vực.

“Hợp tác ba bên là một động thái quan trọng trong bối cảnh địa chính trị, giống như thỏa thuận quốc phòng AUKUS”, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 11/8, đề cập đến hiệp ước quốc phòng năm 2021 giữa Mỹ, Australia và Anh.

Liên quan đến dự án xả nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima, Nhật Bản tuyên bố họ sẽ loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ khỏi nước ngoại trừ tritium, một đồng vị hydro phải được pha loãng vì rất khó lọc.

Trong khi đó, Seoul mong muốn Tokyo chia sẻ thông tin, cho phép tiếp cận với các chuyên gia, từ đó giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác an ninh.

Ngày 14/8, Park Gu-yeon, Thứ trưởng điều phối chính sách của chính phủ tại Văn phòng thủ tướng Hàn Quốc, cho biết cả hai bên đã đạt được tiến bộ đáng kể về vấn đề xả thải nước nhiễm xạ. Một quan chức cấp cao giấu tên của Hàn Quốc cho biết chính phủ không coi đó là nguồn gốc của căng thẳng Hàn - Nhật.

Đầu tháng 7 năm nay, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã công bố báo cáo cuối cùng nêu rõ quá trình xả nước thải bị nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima đáp ứng các tiểu chuẩn an toàn toàn cầu. IAEA cũng cho biết việc xả nước thải sẽ có tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người và môi trường. Mặc dù vậy, các ngư dân địa phương và quốc gia láng giềng vẫn lo ngại về chất lượng của các sản phẩm thủy sản.

Đảng Dân chủ (DP) đối lập tại Hàn Quốc từ lâu luôn bày tỏ quan ngại về kế hoạch xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Trong một phiên họp Quốc hội hồi tháng 7, đại diện của DP tại Quốc hội, ông Woo Won-shik cho biết: “Kết quả xác minh của IAEA đã thiên vị Nhật Bản ngay từ đầu, mất đi tính trung lập và khách quan. Thật đáng tiếc là IAEA đã đưa ra kết luận mà không điều tra kỹ tác động của việc xả thải đối với các quốc gia láng giềng".

Wi Seong-gon, nhà lập pháp của DP, đồng thời là người đứng đầu một ủy ban đặc biệt về vấn đề này tại Quốc hội Hàn Quốc, kêu gọi IAEA xem xét lại kế hoạch xả thải. Theo đó, Nhật Bản nên hoãn kế hoạch trên và xem xét các giải pháp thay thế khác cùng với cộng đồng quốc tế.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Hàn Quốc - Nhật Bản đạt đồng thuận đáng kể về xả thải từ nhà máy Fukushima
Hàn Quốc - Nhật Bản đạt đồng thuận đáng kể về xả thải từ nhà máy Fukushima

Ngày 8/8, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chính sách của Chính phủ Hàn Quốc, ông Park Ku-yeon thông báo nước này và Nhật Bản đã đạt được đồng thuận đáng kể trong cuộc họp song phương mới nhất liên quan các yêu cầu từ phía Seoul đối với kế hoạch xả thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN