Mối quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Iran bất ngờ trở nên "sóng gió" sau khi Iran ngừng bán dầu thô cho Ấn Độ để đáp trả lại việc Niu Đêli có hành động siết chặt chế tài mới đối với Têhêran.
Dự kiến hôm nay (31/12), các quan chức của ngân hàng trung ương hai nước sẽ gặp nhau tại Trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ để tìm cách "hạ nhiệt" căng thẳng trong mối quan hệ song phương có khối lượng giao dịch hàng năm lên tới 12 tỉ USD.
Cách đây ít ngày, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) tuyên bố việc thanh toán các hợp đồng với Iran cần phải được thực hiện bên ngoài hệ thống Liên minh thanh toán châu Á (ACU), một trung tâm thanh toán được Liên hợp quốc thiết lập năm 1974 để hỗ trợ thương mại ở Nam Á, và được ngân hàng trung ương các nước thành viên sử dụng để giải quyết các hợp đồng song phương. ACU có trụ sở đặt tại thủ đô Têhêran của Iran gồm các ngân hàng trung ương của Ấn Độ, Bănglađét, Manđivơ, Mianma, Iran, Pakixtan, Butan, Nêpan và Xri Lanca.
RBI cũng ra lệnh cho các nhà cung cấp tín dụng của Ấn Độ ngừng xử lý các giao dịch tài khoản vãng lai sử dụng hệ thống ACU. Các công ty Ấn Độ cũng không được sử dụng cơ chế ACU khi thanh toán nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt. Mặc dù Ấn Độ nói rằng lệnh cấm này không nhằm vào Iran nhưng trên thực tế, Iran là nước xuất khẩu dầu thô duy nhất sử dụng cơ chế ACU. Trong năm 2010, Iran đã sử dụng cơ chế này để bán hơn 50% tổng lượng dầu thô xuất khẩu.
Hoạt động tại một nhà máy lọc dầu của Iran. Ảnh: Internet |
Sau khi các công ty dầu mỏ của Ấn Độ thông báo yêu cầu sẽ thực hiện việc thanh toán hợp đồng bên ngoài ACU, Công ty Dầu mỏ quốc gia Iran (NIOC) lập tức đã bác yêu cầu này. Một nguồn tin từ Bộ Công nghiệp Ấn Độ cho biết: "Các công ty Ấn Độ đã đề nghị Iran sớm chỉ định một ngân hàng ở châu Âu để hai bên thực hiện thanh toán hợp đồng dầu mỏ, song NIOC đã từ chối".
NIOC cũng khẳng định sẽ không chấp nhận bất kỳ một giải pháp kỹ thuật nào bên ngoài ACU khi các hoạt động giao dịch trong ACU vẫn được thực hiện trong nhiều năm qua. Do vậy, các nhà lãnh đạo của NIOC đã yêu cầu một cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của RBI để giải quyết vấn đề vướng mắc này. Ông Ambika Sharma, Phó Tổng thư ký Liên đoàn các Phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ cho biết tại cuộc gặp sắp tới, các đại diện của Ấn Độ và Iran sẽ tìm cách giải quyết vấn đề này, có thể thanh toán bằng một đồng tiền khác, không sử dụng đồng euro hay USD.
Trong số các thành viên của ACU, Ấn độ là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Iran, trung bình nhập khoảng 400.000 thùng/ngày với kim ngạch hơn 11 tỷ USD mỗi năm. Hiện Iran là nước cung cấp dầu thô lớn thứ hai cho Ấn Độ, chỉ sau Arập Xêút.
Các nhà phân tích cho rằng vấn đề phức tạp mới nảy sinh này xuất phát từ sức ép của Mỹ nhằm tìm cách ngăn cản các thỏa thuận thương mại của cộng đồng quốc tế (trong đó có Ấn Độ) với Iran, từ đó buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến công du Ấn Độ và đã hứa sẽ giúp Niu Đêli tăng cường vai trò của mình trên trường quốc tế, trong đó có việc ủng hộ nước này trở thành Ủy viên thường trực HĐBA LHQ.
Chuyên gia phân tích Siddharth Varadarajan, phụ trách các vấn đề chiến lược trên báo Hindu cho rằng, căng thẳng thương mại giữa hai nước cơ bản là do áp lực trực tiếp từ phía Mỹ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng căng thẳng thương mại giữa hai nước sẽ được giải quyết bởi Ấn Độ không muốn gây căng thẳng trong quan hệ với Iran, nước mà Niu Đêli luôn coi là một đồng minh để cùng duy trì ổn định tại Ápganixtan (nước láng giềng của Ấn Độ) sau khi quân Mỹ rút về nước vào năm 2014. Ngoài ra, Ấn Độ cũng muốn tránh những chỉ trích trong nước về những cáo buộc cho rằng quyết định của mình là do chịu áp lực từ phía Mỹ.
Một lý do khác là Iran, nước đang chịu các lệnh cấm vận khắc nghiệt của LHQ, cũng muốn tìm một nhà tiêu thụ dầu mỏ ổn định để duy trì nguồn thu nhập chính của mình. Trong khi đó, Ấn Độ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu như nguồn cung dầu mỏ từ Iran, chiếm 13% tổng số lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ, bị cắt giảm.
Anh Tuấn (P/v TTXVN tại New York) - Lê Hải (tổng hợp)