Quan hệ Việt Nam - Hà Lan còn nhiều động lực để phát triển toàn diện

Quan hệ hợp tác Việt Nam-Hà Lan là mối quan hệ đối tác năng động và hiệu quả dựa trên sự tin cậy về hợp tác chính trị, quan hệ thương mại - đầu tư vững mạnh và hợp tác đa dạng trong nhiều lĩnh vực.

Đây là nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Thị Hòa trong trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong chuyến thăm chính thức làm việc tại Vương quốc Hà Lan, tháng 7/2017, tại thành phố Den Haag, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte. (Nguồn: TTXVN)

Theo Đại sứ Ngô Thị Hòa, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (9/4/1973 - 9/4/2018), Việt Nam và Hà Lan đã cùng hợp tác, phát triển trong hòa bình và thịnh vượng, trên nền tảng lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau. Hà Lan là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao, mở Đại sứ quán tại Việt Nam vào năm 1976 và cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam. Quan hệ Việt Nam - Hà Lan bắt đầu khởi sắc từ những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ trước khi khu vực Đông Nam Á bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, trong đó có Hà Lan. 


Kể từ năm 1993 đã có rất nhiều các chuyến thăm, trao đổi đoàn giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, qua đó tạo cơ sở tăng cường quan hệ hữu nghị tin cậy và hợp tác tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, tiêu biểu là các chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Phan Văn Khải (2001), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2011 và 2014), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (2017), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (2018) và các chuyến thăm Việt Nam của các nhà lãnh đạo Hà Lan như Thủ tướng Wim Kok (Uym Cốc - năm 1995), Thái tử Willem Alexander (Uy-lem A-lếch-xan-đơ - năm 2005 và 2011), Thủ tướng Mark Rutte (Mác Rút - năm 2014). Thông qua các chuyến thăm, nhiều cơ chế hợp tác song phương đã được hai nước thông qua, nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác quan trọng được ký, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.


Đại sứ Ngô Thị Hòa cho rằng những điểm tương đồng về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên - như cùng là quốc gia ven biển có vị trí chiến lược, có vùng đồng bằng rộng lớn và đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu và nước biển dâng - đã đưa quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan từ mối quan hệ đối tác thông thường, phát triển thành Quan hệ đối tác Chiến lược về Biến đổi Khí hậu và Quản lý Nước vào năm 2010 và Quan hệ đối tác chiến lược về Nông nghiệp Bền vững và An ninh lương thực vào năm 2014. 


Trong những năm qua, Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long với tầm nhìn dài hạn; Chương trình Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hướng ra biển, giải quyết các vấn đề quản lý tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu... Các cuộc họp Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam - Hà Lan trong lĩnh vực này được tổ chức hằng năm, và đến nay đã là phiên họp lần thứ sáu (Hà Lan, tháng 3/2017). Hà Lan cũng thực hiện nhiều dự án về cung cấp nước và quản lý nguồn nước tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam như Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Dương. Với kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến, Hà Lan đang từng bước giúp ngành nông nghiệp Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo an toàn lương thực.


Bên cạnh hợp tác nông nghiệp, Đại sứ Ngô Thị Hòa nêu rõ quan hệ thương mại cũng không ngừng lớn mạnh kể từ khi hai nước chuyển sang "đối tác thương mại", theo đó kim ngạch thương mại tăng đều hàng năm khoảng trên 20%. Năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 6, tỷ USD, và trong năm 2017 đạt 7,7 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm 2018, thương mại hai chiều đạt 2,3 tỷ USD (tăng gần 13% so với cùng kỳ 2017). Hà Lan trở thành thị trường xuất khẩu EU lớn nhất của VN. Về đầu tư, hiện Hà Lan xếp thứ 11 trong số 116 quốc gia và lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 304 dự án có tổng số vốn đăng ký là 8,17 tỷ USD và là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam.


Việt Nam và Hà Lan cũng mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác như quốc phòng, văn hóa, giáo dục-đào tạo. Hai bên đã ký Bàn ghi nhớ (MOU) hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và đang triển khai các chương trình hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực đào tạo, công nghiệp quốc phòng. Trong lĩnh vực văn hóa, hai bên thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, ẩm thực, văn nghệ, đặc biệt vào dịp kỷ niệm 40 năm và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, như biểu diễn âm nhạc dân tộc dịp vào tháng 3/2018, triển lãm tranh phong cảnh Việt Nam, Ngày Ẩm thực Việt Nam tại Hà Lan vào tháng 7/2018; triển lãm ảnh Ngày Hà Lan tại các thành phố của Việt Nam năm 2018. 


Đại sứ Ngô Thị Hòa nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của cộng đồng hơn 20.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Hà Lan trong việc góp phần mở rộng giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Về hợp tác giáo dục - đào tạo, Đại sứ cho biết hợp tác chặt chẽ giữa các trường đào tạo và bộ giáo dục hai nước trong lĩnh vực nước, an ninh lương thực... và việc triển khai các dự án, sáng kiến giáo dục song phương Hà Lan - Việt Nam đã góp phần tích cực vào thay đổi về giáo dục ở Việt Nam. Hiện nay có khoảng 1.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Hà Lan, con số này tăng lên hàng năm.


Đối với hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải, hai bên đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác quan trọng về vận tải hàng không, hàng hải, phát triển và quản lý cảng ... Trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác này, các bộ, cơ quan hai nước đã tổ chức nhiều diễn đàn, chương trình hợp tác trong chuỗi giá trị ngành hàng không và đang hình thành chương trình hợp tác trong chuỗi giá trị ngành hàng hải - cảng - vận tải nội thủy.


Hai bên cũng thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương hai nước, theo đó đã thiết lập được các cặp quan hệ đối tác giữa các tỉnh, thành phố như: Hà Nội với Amsterdam, Thành phố Hồ Chí Minh-Rotterdam, Bình Dương - Thành phố Emmen và Thành phố Eindhoven, Vĩnh Long - tỉnh Gelderlards, An Giang - Thành phố Oss, Đồng Tháp - Emmen, Bình Phước - Thành phố Hoogeven.


Về hợp tác đa phương, Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên tiếp xúc gặp gỡ nhau bên lề các hội nghị quốc tế, ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế đa phương. Cụ thể, hai nước ủng hộ nhau ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2016 và Hà Lan nhiệm kỳ 2015-2017), vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Hà Lan nhiệm kỳ 2017-2018 và Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2021). Hà Lan ủng hộ Việt Nam vào Ủy ban Ranh giới thềm lục địa 2012-2017 và Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2018. Việt Nam ủng hộ Hà Lan ứng cử Tổng thư ký Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) nhiệm kỳ 2016-2021.

Đại sứ Ngô Thị Hòa nhận định rằng trong giai đoạn phát triển công nghiệp 4.0, nhiều thách thức chung toàn cầu đặt hai nước trước cơ hội lớn trong hợp tác kinh tế, thương mại, nông nghiệp, giáo dục và khoa học công nghệ… Trong chính sách đối với châu Á và khối ASEAN, Hà Lan luôn coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên. Đại sứ cho rằng cùng với sự ủng hộ của Nhà nước, Chính phủ và các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với chủ trương mở rộng hợp tác với Hà Lan và trên cơ sở thế mạnh và nhu cầu của hai nước, các thỏa thuận hợp tác song phương đạt được trong chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 7/2017) và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (3/2018) đã đặt dấu mốc quan trọng, định hướng quan hệ hợp tác của hai nước và tạo tiền đề cho hợp tác ở tất cả các cấp trong tương lai.


Đánh giá triển vọng quan hệ hợp tác của hai nước trong thời gian tới, Đại sứ Ngô Thị Hòa khẳng định những con số và thành tựu hợp tác trên là những dấu hiệu tích cực và sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai. Trên cơ sở các thế mạnh của nhau, trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác tập trung vào các ưu tiên như: duy trì và thúc đẩy quan hệ chính trị - ngoại giao, qua đó làm tiền đề hậu thuẫn cho các mối quan hệ hợp tác khác thông qua duy trì tiếp xúc cấp cao và trao đổi đoàn các cấp cả trong khuôn khổ song phương và đa phương; triển khai hiệu quả khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược đang có trong các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu - quản lý nước và nông nghiệp bền vững - an ninh lương thực; mở rộng, hình thành những cơ chế hợp tác thiết thực, hiệu quả trong các lĩnh vực có tiềm năng như khoa học - công nghệ, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo... tiến tới xây dựng Đối tác chiến lược toàn diện; tăng cường hoạt động văn hóa, ngoại giao nhân dân để tạo sự hiểu biết lẫn nhau và gắn kết giữa nhân dân hai nước; và tăng cường quan hệ hợp tác giữa địa phương với địa phương nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa hai bên.


Theo Đại sứ Ngô Thị Hòa, với cảm tình đặc biệt giữa người dân hai nước với nhau, hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng và bổ sung cho nhau về điều kiện tự nhiên, văn hóa lẫn kinh tế, Việt Nam và Hà Lan đã đồng hành cùng với nhau trong suốt 45 năm một cách thuận lợi. Bà tin tưởng với truyền thống tốt đẹp, sự hiểu biết lẫn nhau, và tinh thần hợp tác rộng mở, quan hệ hai nước Việt Nam và Hà Lan sẽ ngày càng phát triển bền chặt và khăng khít hơn, mang lại lợi ích cho cả hai bên.


TTXVN/Báo Tin tức
Tạo bước phát triển đột phá cho quan hệ Việt Nam - Hà Lan
Tạo bước phát triển đột phá cho quan hệ Việt Nam - Hà Lan

Chiều 28/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp thân mật Thái tử kế vị Hà Lan Willem Alexander và Công nương Máxima đang ở thăm Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN