Quan hệ Việt-Nhật 'dĩ tâm truyền tâm'

Trong bối cảnh Hội nghị cấp cao Nhật Bản-Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã có dịp phỏng vấn cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama về mối quan hệ hai nước cũng như quan hệ Nhật Bản và ASEAN.

Cựu Thủ tướng Hatoyama đã có những kiến giải sâu sắc và chia sẻ hết sức thú vị, đặc biệt là về mối quan hệ Nhật-Việt nhìn từ góc độ tư tưởng “hữu ái” mà ông đang hướng đến.

Theo cựu Thủ tướng Hatoyama, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không chỉ đơn thuần là mối quan hệ đối tác chiến lược mà là hai nước bạn bè cùng chung nhịp đập trái tim. Sử dụng cụm từ "dĩ tâm truyền tâm" để diễn đạt mối quan hệ hai nước, cựu Thủ tướng Hatoyama giải thích rằng cụm từ này nghĩa là người dân hai nước có thể hiểu nhau mà không cần dùng lời nói.


Ông Hatoyama (phải) trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN.


Ông Hatoyama đánh giá cao việc xây dựng được mối quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo hai nước cũng như những tình cảm chân thành nồng ấm giữa người dân hai nước. Ông cho rằng Việt Nam chính là nước mà Nhật Bản đã xây dựng được mối quan hệ tin cậy nhất.

Cựu Thủ tướng Hatoyama cho biết ông muốn đóng góp cho quan hệ hai nước thông qua lĩnh vực giáo dục. Theo ông, Nhật Bản sau chiến tranh đã nhanh chóng phát triển thành một nước công nghiệp. Có được điều này là nhờ hệ thống trường đào tạo nghề chuyên nghiệp do nhà nước thành lập. Các học sinh tốt nghiệp cấp II sẽ học về kỹ thuật trong 5 năm, qua đó đào tạo được một đội ngũ kỹ thuật viên trẻ lành nghề, đáp ứng ngay công việc, giúp nâng cao đáng kể trình độ kỹ thuật công nghệ của Nhật Bản. Ông Hatoyama cho rằng điều cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam hiện nay là nhanh chóng đào tạo thật nhiều kỹ thuật viên trẻ lành nghề, và để làm được điều này Việt Nam có thể áp dụng hệ thống trường đào tạo nghề chuyên nghiệp của Nhật Bản.

Ông Hatoyama.


Một lĩnh vực khác mà ông Hatoyama cho rằng Việt Nam đang rất quan tâm là công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của Nhật Bản. Ông nhận định Nhật Bản và Việt Nam có rất nhiều điểm chung với một nền nông nghiệp quy mô nhỏ, vì vậy có thể tính đến việc áp dụng mô hình nông nghiệp của Nhật Bản vào Việt Nam, bao gồm cả hệ thống tưới tiêu cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin (IT) trong nông nghiệp.

Theo ông Hatoyama, có rất nhiều lĩnh vực mà Nhật Bản và Việt Nam có thể hợp tác như năng lượng, môi trường... điều quan trọng là cần đưa ra những dự án hợp tác cụ thể và triển khai những dự án đó. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn đầu tư ra nước ngoài để vực dậy nền kinh tế, và họ nhìn thấy ở Việt Nam những tiềm năng hợp tác và phát triển. Hai bên có thể hợp tác chặt chẽ với nhau để làm ra những sản phẩm có chất lượng cao mà trọng tâm là các lĩnh vực trí tuệ như IT… Việt Nam hiện đang có nguồn nhân lực trẻ dồi dào và cần đẩy mạnh chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo.

Về quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN, ông Hatoyama cho rằng trong bối cảnh hai bên đang chuẩn bị tiến hành hội nghị cấp cao, mối quan hệ này đang ở vào thời điểm hết sức tốt đẹp và sẽ tiếp tục phát triển hoàn thiện hơn. Đối với từng nước trong ASEAN, Nhật Bản sẽ có những hỗ trợ mà cụ thể là viện trợ phát triển chính thức (ODA). Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước trong ASEAN để hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đặc biệt là tiếp tục đầu tư mạnh vào những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh. Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng nguồn vốn đầu tư vào những nước này thông qua việc các doanh nghiệp Nhật Bản mở nhiều nhà máy ở các khu vực và mỗi nước trong ASEAN, để tác động trở lại đến sự phát triển kinh tế của chính Nhật Bản. Ông nhấn mạnh đó là mô hình phát triển tốt nhất hiện nay trong mối quan hệ Nhật Bản và ASEAN.

Nói về tư tưởng "hữu ái" mà ông Hatoyama đang chủ trương để hướng tới một thế giới hòa bình, với việc lập ra Trung tâm nghiên cứu cộng đồng Đông Á, cựu Thủ tướng Nhật Bản cho biết nội hàm của tư tưởng này có hai thái cực cốt lõi là tự do và bình đẳng. Điều mấu chốt là phải giữ để cả hai yếu tố này không đi quá đà. Nếu quá coi trọng khía cạnh tự do, để cho năng lực tự điều tiết của thị trường điều chỉnh, thì chủ thể yếu sẽ phải chịu thất bại và tính đa dạng cũng bị triệt tiêu. Trong khi đó, nếu bình đẳng phát triển tới mức thái quá cũng làm triệt tiêu ý chí vươn lên và nỗ lực của con người. Ông nhấn mạnh hai khái niệm “tự lập” và “cộng sinh” cùng tồn tại. Mọi người sống trong một xã hội cùng nhau nỗ lực, cùng nhau làm việc và cùng hưởng thụ niềm hạnh phúc. Đó chính là tư tưởng cốt lõi của tư tưởng “hữu ái” mà ông đề xướng.

Liên hệ tư tưởng "hữu ái" với tình hình căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á hiện nay, ông Hatoyama cho rằng tình hình giữa Nhật Bản và Trung Quốc hiện nay đang trở nên căng thẳng tới mức khó hòa dịu. Tuy nhiên, ngay cả trong những tình huống như thế này, hai nước đều có nhu cầu cùng tồn tại để phát triển. Điều quan trọng là hai nước cần hiểu nhau và bắt đầu từ chính sự khác biệt để cùng nhau phát triển.
Vận dụng vào quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, cựu Thủ tướng Hatoyama nhận định giữa Việt Nam và Nhật Bản tồn tại tình cảm "hữu ái" và đang tiến triển hết sức thuận lợi. Việc nâng cao quan hệ tốt đẹp này sẽ tạo ra môi trường cho hợp tác trong khu vực.

Ông Hatoyama đánh giá Việt Nam sẽ đóng vai trò trung tâm trong cộng đồng kinh tế chung ASEAN hình thành vào năm 2015. Ông cho rằng mô hình sẽ là cộng đồng kinh tế ASEAN cộng thêm nhiều nước khác, trước mắt là cộng thêm 3 nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. ASEAN+3 sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hòa bình, ổn định của khu vực. Ông nhấn mạnh để có được quan hệ đôi bên cùng thắng nên bắt đầu từ các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, kinh tế, thay vì bắt đầu từ an ninh. Trong bối cảnh như vậy, một mối quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ khu vực.


TTXVN/Tin tức
Cảm nhận Nhật Bản qua màn ảnh nhỏ

Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Tổng cục Du lịch Nhật Bản sẽ phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, hỗ trợ sản xuất chương trình truyền hình “Du lịch Nhật Bản”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN