Bộ Ngoại giao Nga xác nhận ông Assad đã từ chức tổng thống Syria và rời khỏi đất nước sau các cuộc đàm phán với các nhóm đối lập vũ trang. Điều này cho thấy cục diện tình hình tại Syria và vị thế của lực lượng nổi dậy chưa bao giờ rõ ràng như hiện nay.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có đường biên giới dài 911 km chung với Syria. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng chiến dịch tấn công của lực lượng nổi dậy không thể diễn ra và thành công nếu không được Ankara “bật đèn xanh”. Ngoài ra, kể từ khi cuộc xung đột Syria nổ ra vào năm 2011, nước này luôn được xem là nơi hậu thuẫn chính cho các nhóm đối lập lật đổ chính quyền của ông Assad.
Trước đó vào năm 2016, Ankara đã tiến hành một số cuộc tấn công vào Syria với mục đích đẩy lùi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các tay súng người Kurd. Đến nay nước này đã tạo ra một vùng đệm dọc biên giới và hiện đang kiểm soát một vùng lãnh thổ ở miền Bắc Syria.
Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc liên quan, cho rằng những luận điệu này đang làm gia tăng căng thẳng khu vực. Ông Omer Celik, người phát ngôn đảng cầm quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng: "Tất cả các tuyên bố cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ khiêu khích hoặc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ điều này đều không đúng sự thật. Tất cả đều là dối trá".
Bên cạnh đó, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã tìm cách giải quyết xung đột tại Syria. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia vào các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột giữa chính phủ Syria và quân nổi dậy, bao gồm cả việc đàm phán với các quốc gia Nga và Iran – các đồng minh của Tổng thống Assad.
Ankara cũng tuyên bố đã cố gắng trì hoãn việc lực lượng nổi dậy tấn công quân chính phủ Syria trong nhiều tháng. Tuy nhiên, quân nổi dậy cuối cùng đã tiến hành cuộc tấn công sau khi chính phủ Syria tấn công các khu vực do lực lượng này nắm giữ, vi phạm các thỏa thuận giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm leo thang xung đột.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cuộc tấn công ban đầu chỉ giới hạn trong một phạm vi nhất định, nhưng việc quân đội chính phủ Syria nhanh chóng rút lui khỏi vị trí đã khiến quân nổi dậy mở rộng khu vực chiếm đóng.
Tuy nhiên, bất kể lý do nào nêu ra thì việc chính quyền Assad bị lật đổ cũng được xem là sẽ mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lợi ích phù hợp với mục tiêu lâu dài. Trong đó, quân nổi dậy kiểm soát Syria sẽ tạo cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể thông qua lực lượng này đẩy lùi lực lượng người Kurd ở Syria - liên minh với tổ chức đảng Công nhân người Kurd (PKK). PKK lại được xem là “kẻ thù không đội trời chung” với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.
Gần đây, Ankara đã tìm cách hòa giải với chính quyền ông Assad để giảm thiểu mối đe dọa của lực lượng người Kurd và đảm bảo người tị nạn được hồi hương an toàn. Tuy nhiên, ông Assad đã từ chối lời đề nghị trên của Thổ Nhĩ Kỳ.
Những diễn biến hiện nay đã làm dấy lên hy vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể đạt được các mục tiêu chiến lược của mình ở Syria, bao gồm bảo vệ biên giới phía Nam với Syria và tạo điều kiện cho người tị nạn Syria hồi hương an toàn.
Từ năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách bình thường hóa quan hệ với Syria. Tuy nhiên, Tổng thống Assad đã ra điều kiện quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải rút khỏi miền Bắc Syria. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khẳng định rằng họ không thể rút quân chừng nào các mối đe dọa từ lực lượng người Kurd vẫn còn.
Tuy nhiên, việc chính quyền của ông Assad sụp đổ cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với một số thách thức. Ông Sinan Ulgen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đối ngoại có trụ sở tại Istanbul, cho rằng trước hết Thổ Nhĩ Kỳ muốn có một Syria ổn định. Ông nói: "Rủi ro đầu tiên mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn tránh bằng mọi giá là sự tan rã lãnh thổ của Syria, với các cấu trúc quyền lực khác nhau tranh giành quyền tự chủ trên lãnh thổ".
Cùng với đó, lực lượng thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đóng vai trò quan trọng trong việc lật đổ chính phủ Syria nhưng lại đang bị Ankara liệt kê là một tổ chức khủng bố. Tuy có những thông tin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng tới nhóm này nhưng điều này có vẻ như đang xung đột với những tuyên bố và lợi ích của chính Thổ Nhĩ Kỳ.
Bà Gonul Tol, Giám đốc Chương trình Thổ Nhĩ Kỳ của Viện Trung Đông có trụ sở tại Mỹ cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể không kiểm soát được HTS vì họ theo đuổi lợi ích riêng. Ngoài ra, HTS lại đang có mối quan hệ tốt với nhóm YPG - gồm các tay súng người Kurd.
Ông Ozgur Unluhisarcikli, Giám đốc Quỹ Marshall của Đức tại Ankara lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn có tiếng nói quan trọng trong diện mạo mới của Syria. Ông nhận định: “Sẽ có những cuộc đàm phán quyết định tương lai của Syria. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có ảnh hưởng nhưng Mỹ cũng vậy và các nước Trung Đông cũng sẽ tài trợ để tái thiết Syria”.
Ngoài ra, chính phủ Syria sụp đổ có thể tác động đối với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề tị nạn. Bởi vì bất ổn chính trị kéo dài sẽ tạo ra làn sóng người tị nạn mới hướng về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang chật vật trong giải quyết vấn đề nhiều người Syria đang tị nạn tại nước này.
Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Syria, tránh một khu tự trị do người Kurd kiểm soát nằm trên biên giới của mình hoặc một cuộc di cư mới của người tị nạn. Phát biểu tại Qatar vào ngày 8/12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nói: "Thổ Nhĩ Kỳ rất coi trọng thống nhất quốc gia, ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria cũng như phúc lợi của người dân Syria. Nhờ đó, hàng triệu người Syria buộc rời bỏ nhà cửa có thể trở về quê hương".
Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cho rằng cuộc tấn công của quân nổi dậy có thể gây căng thẳng trong quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với những quốc gia ủng hộ chính quyền ông Assad là Iran và Nga. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, đã tìm cách cân bằng mối quan hệ chặt chẽ với cả Ukraine và Nga trước cuộc chiến giữa hai nước này trong thời gian qua.
Ông Ulgen lưu ý rằng Nga không cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ kích động quân nổi dậy tiến công. Điều này được lý giải do Nga không muốn Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang lập trường "chống Nga nhiều hơn" trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay thì mọi thứ có thể rẽ sang một chiều hướng khác khi đồng minh của Nga đã không còn trên đất Syria.