Theo báo cáo của AKF, tổ chức bảo tồn koala lớn nhất tại Australia, số lượng koala ở nước này đã giảm từ mức ước tính hơn 82.000 con vào năm 2018 xuống còn khoảng 32.000-58.000 con vào năm 2021. Bang New South Wales (NSW) là nơi chứng kiến số lượng koala sụt giảm mạnh nhất, với mức giảm 41% kể từ năm 2018. Các trận cháy rừng khốc liệt xảy ra trong giai đoạn 2019-2020 được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Giám đốc điều hành AKF Deborah Tabart cho biết, ngoài việc bị mất môi trường sống do cháy rừng, quần thể koala ở khắp Australia còn bị suy giảm số lượng do nạn hạn hán, nắng nóng gay gắt và thiếu nước uống. Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng tự nhiên để lấy đất canh tác nông nghiệp, xây dựng nhà ở và khai thác mỏ, đặc biệt ở bang NSW và Queensland, trong những năm qua cũng đang tàn phá quần thể koala.
Cũng theo AKF, loài koala đã hoàn toàn biến mất ở 47/128 khu vực bầu cử ở Australia. Đây là lần đầu tiên dữ liệu về quần thể koala được thu thập, đánh giá ở khắp các khu vực bầu cử của nước này.
Tuần trước, AKF cảnh báo loài koala đang phải đối mặt nguy cơ tuyệt chủng. Trong năm 2016, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Queensland đã ước tính rằng có 330.000 con gấu túi trong tự nhiên ở Australia. Tuy nhiên, các quần thể koala trên khắp nước này đã bị tàn phá do mất môi trường sống và nạn cháy rừng. Số liệu của Quỹ bảo tồn Thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) cho thấy đã có 60.000 con koala bị ảnh hưởng trong các trận cháy rừng xảy ra vào năm 2019-2020.
Ông Bill Ellis - một nhà nghiên cứu thuộc trường Nông nghiệp và Khoa học lương thực của Đại học Queensland, đã nghiên cứu quần thể koala từ thập niên 90 của thế kỷ trước và cho biết loài động vật này đang lần thứ hai trong lịch sử phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Trước đó, koala gần như bị “xóa sổ” do nạn buôn bán lông thú.