Quốc gia Baltic ủng hộ Ukraine gia nhập NATO, tăng cường kiểm tra hàng hoá sang Nga

Cùng với việc Tổng thống Estonia Alar Karis tuyên bố “tiến trình trở thành thành viên NATO là không thể đảo ngược”, chính phủ nước này quyết định tăng cường hiệu quả kiểm tra đối với hàng hóa qua biên giới sang Liên bang Nga.

Chú thích ảnh
Tổng thống Estonia Alar Karis (bên trái) và người đồng cấp Litva Gitanas Nausėda tại Vilnius ngày 7/7/2024. Ảnh: Alar Karis/X

Đài phát thanh công cộng Estonia (ERR) ngày 8/7 cho biết vào hôm 7/7, Tổng thống nước này, ông Alar Karis đã gặp người đồng cấp Litva Gitanas Nausėda tại Vilnius để thảo luận về các vấn đề như hợp tác giữa hai nước, an ninh khu vực và sự chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sắp diễn ra ở Washington (Mỹ).

Tại cuộc gặp, Tổng thống Karis nhấn mạnh rằng chủ đề quan trọng nhất của Hội nghị Thượng đỉnh NATO là hỗ trợ toàn diện, lâu dài và hiệu quả cho Ukraine cả trong và sau chiến tranh, cũng như tăng cường khả năng phòng thủ và sẵn sàng đối mặt với mối đe dọa đối với NATO từ Liên bang Nga.

Ông Karis nói: “Liên minh phải gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng NATO sẽ hỗ trợ Ukraine tới chừng nào có thể. Tư cách thành viên NATO của Ukraine là không thể thương lượng và quá trình trở thành thành viên là không thể đảo ngược”.

Theo Tổng thống Estonia, “nếu toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine không được tôn trọng, điều đó sẽ dẫn đến các cuộc chiến tranh mới và lớn hơn trong tương lai”.

Vì vậy, ông Karis nhấn mạnh: “Chiến lược hiệu quả duy nhất hiện nay là hỗ trợ Ukraine nhiều nhất có thể. NATO đã vượt qua thành công những do dự trước đây liên quan đến viện trợ quân sự cho Ukraine. Không nên đặt ra giới hạn nào cho việc hỗ trợ thêm".

Về phía Liên bang Nga, theo đài RT, Moskva đã nhiều lần đánh giá việc mở rộng NATO tiến đến gần biên giới Nga là mối đe dọa hiện hữu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng mục tiêu gia nhập NATO của Ukraine là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc xung đột đang diễn ra.

Moskva cũng đánh giá việc phương Tây cung cấp vũ khí để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Kiev khiến những quốc gia này trở thành một bên tham gia cuộc xung đột.

Điện Kremlin nhấn mạnh, việc NATO tham gia sâu hơn vào cuộc xung đột có nguy cơ dẫn đến đối đầu trực tiếp giữa Moskva và khối quân sự do Mỹ đứng đầu, đồng thời có rủi ro mở rộng thành xung đột hạt nhân.

Xem video Ukraine ký hiệp định an ninh với Liên minh châu Âu, Litva và Estonia. Nguồn: Reuters

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Chính phủ Estonia đã quyết định tăng cường kiểm soát hàng hóa ở biên giới với Liên bang Nga.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas hôm 7/7 tuyên bố nước này có kế hoạch thực hiện kiểm tra hải quan toàn diện ở biên giới với Liên bang Nga để ngăn chặn việc trốn tránh các lệnh trừng phạt.

Tờ Euro Maidan dẫn thông tin từ cơ quan báo chí của Chính phủ Estonia cho biết chính phủ Estonia đã quyết định tăng cường hiệu quả kiểm soát đối với dòng hàng hóa bị trừng phạt tại biên giới với Liên bang Nga.

Thủ tướng Kaja Kallas nói: “Chúng ta phải đảm bảo rằng hàng hóa qua biên giới của chúng ta không phải chịu lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU)”.

Thủ tướng Kallas nhấn mạnh rằng bất chấp những hạn chế hiện có, các nỗ lực lách luật trừng phạt ở biên giới vẫn tồn tại và gói trừng phạt mới của EU đã làm tăng thêm những rủi ro này.

Bà Kallas nói: “Việc thay thế các biện pháp kiểm tra có chọn lọc dựa trên rủi ro hiện tại bằng kiểm tra toàn diện hàng hóa và phương tiện sẽ giúp chính quyền tin tưởng hơn rằng hàng hóa có thể hỗ trợ bộ máy quân sự của Liên bang Nga sẽ không vượt qua biên giới Estonia”.

Theo Euro Maidan, hằng ngày, các nhân viên hải quan Estonia ở Narva đều phát hiện có trường hợp du khách cố gắng buôn lậu hàng cấm cũng như tiền euro sang Liên bang Nga và tình trạng này đã dẫn đến tình trạng xếp hàng đáng kể tại các cửa khẩu biên giới với thời gian chờ đợi đôi khi lên tới năm ngày.

Bà Kallas nói thêm rằng Estonia sẽ tiếp tục thảo luận với Phần Lan, Latvia, Litva và Ba Lan về các yêu cầu và thủ tục thống nhất tại biên giới.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas sẽ thay thế ông Josep Borrell, trở thành người phụ trách chính sách đối ngoại tiếp theo của EU.

Việc bổ nhiệm này là một phần trong quá trình cải tổ rộng rãi hơn các vị trí hàng đầu của EU.

Thành Nam/Báo Tin tức
Tin nóng thế giới sáng 8/7
Tin nóng thế giới sáng 8/7

Bản tin nóng thế giới sáng 8/7 có những nội dung sau đây:
- Phe cực hữu ở Pháp mất cơ hội nắm chính phủ sau bầu cử, thủ tướng Attal từ chức;
- NATO vẫn nghiêm túc cân nhắc kết nạp Ukraine;
- Thủ tướng Israel nêu điều kiện đối với thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza;
- Ấn Độ và Nga ưu tiên thúc đẩy cơ chế thanh toán mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN