Hãng Bloomberg đưa tin ngày 1/2, số vụ phá sản ở Thụy Điển đã tăng lên mức cao nhất một thập kỷ vào tháng 1 vừa qua, trong bối cảnh các công ty xây dựng đối mặt với nỗi áp lực ngày càng gia tăng từ cuộc khủng hoảng thị trường nhà đất đang diễn ra.
Theo các phương tiện truyền thông, trích dẫn cơ quan tham chiếu tín dụng UC, số lượng hồ sơ phá sản đã tăng lên 622, đánh dấu mức tăng 47% so với một năm trước đó.
Thụy Điển đang phải vật lộn với tình trạng giá bất động sản sụt giảm tồi tệ nhất trong ba thập kỷ. Tình hình trên đã góp phần làm gia tăng các vụ vỡ nợ trong lĩnh vực xây dựng, với 130 công ty xây dựng nộp đơn xin phá sản vào tháng trước. Giá nhà đã giảm 16% so với mức cao nhất trong quý đầu tiên của năm ngoái, với việc các nhà kinh tế dự đoán đà trượt dốc vẫn còn tiếp tục.
Nhà kinh tế Johanna Blome tại UC cho biết: “Suốt mùa thu vừa qua, chúng tôi đã chứng kiến sự phá sản của các doanh nghiệp phục vụ người tiêu dùng như bán lẻ, khách sạn và nhà hàng. Giờ đây, sự gia tăng lớn nhất đang diễn ra trong các lĩnh vực có mối liên hệ chặt chẽ với ngành xây dựng và các khoản đầu tư dài hạn”.
Tình trạng suy giảm nghiêm trọng trong lĩnh vực bất động sản của Thụy Điển đã gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn nhất khu vực Bắc Âu này. Theo ước tính từ Ủy ban Nhà ở Quốc gia Thụy Điển, số lượng nhà mới xây dựng sẽ giảm đáng kể 44% trong năm nay xuống còn 33.000 căn. Cùng lúc đó, sự sụt giảm trong hoạt động xây dựng có thể gây thêm áp lực lên hoạt động kinh tế.
Chính phủ Thụy Điển thông báo vào cuối năm 2022 rằng nước này đang bước vào thời kỳ suy thoái kéo dài đến năm 2025. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này dự kiến giảm 0,7%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ tăng lên 7,8% vào năm 2023 và 8,2% vào năm 2024.