Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết giới chức tại Guinea đã xác nhận thông tin này vào ngày 2/8. Theo đó, ca mắc đầu tiên là ở tỉnh Gueckedou, phía Nam Guinea.
Kênh RT (Nga) cho biết một người đàn ông đã đến cơ sơ y tế địa phương ở Koundou thuộc tỉnh Gueckedou vào tuần trước. Người này sau đó được chẩn đoán mắc bệnh virus Marburg. Bệnh nhân này đã tử vong sau khi tình trạng của anh ta xấu đi nhanh chóng. Các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm sốt xuất huyết quốc gia Guinea và Viện Pasteur ở Senegal sau đó đã xác nhận chẩn đoán với trường hợp này là đúng.
Ông Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, đánh giá: “Chúng ta cần ngăn chặn virus Marburg bởi nó có khả năng lây lan xa và rộng. Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan y tế để phản ứng nhanh chóng dựa trên kinh nghiệm và chuyên môn của Guinea trong kiềm chế Ebola, căn bệnh có đường lây truyền tương tự.”
Trường hợp mắc Marburg mới này được ghi nhận chỉ hai tháng sau khi Guinea tuyên bố kết thúc đợt bùng phát dịch Ebola tấn công tỉnh Gueckedou vào đầu năm nay. Virus Marburg, tương tự như Ebola nhưng có đặc tính kháng nguyên khác, lây truyền sang người từ dơi ăn quả. Virus này còn có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của người mắc.
Bệnh Marburg khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội và tình trạng khó chịu. Theo WHO, tỷ lệ tử vong của bệnh virus Marburg là từ 24 đến 88 %, tùy thuộc vào chủng virus và hiệu quả của phản ứng y tế. Không có vaccine hoặc phương pháp điều trị cụ thể chống lại virus Marburg, nhưng một số phương pháp điều trị triệu chứng, bao gồm cấp nước bằng uống hoặc truyền dịch tĩnh mạch, có thể tăng cơ hội sống sót của bệnh nhân.
Đã có 12 đợt bùng phát Marburg kể từ năm 1967, khi loại virus này lần đầu tiên được phát hiện ở Đức. Theo WHO, nhiều đợt bùng phát khác đã được ghi nhận xảy ra ở các quốc gia Trung, Nam và Đông Phi, bao gồm Angola, Congo, Kenya, Nam Phi và Uganda.
Các bác sĩ ở Guinea hiện đang tìm kiếm tất cả các trường hợp từng tiếp xúc với bệnh nhân tử vong do nhiễm virus Marburg. Nỗ lực xuyên biên giới cũng đã được triển khai để theo dõi nguy cơ dịch bệnh này xảy ra ở các nước láng giềng Guinea. WHO cũng đã triển khai “nhóm ban đầu” gồm 10 chuyên gia, bao gồm các nhà dịch tễ học và nhân loại học, để điều tra vụ việc và hỗ trợ cơ quan y tế Guinea.