Từ tháng 12 tới, Guyana sẽ khởi động khai thác dầu mỏ và các nhà phân tích tin rằng điều này sẽ giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng “phi mã”.
Guyana là quốc gia nói tiếng Anh với dân số khoảng 780.000 người và chung biên giới với Brazil, Suriname và Venezuela ở Đông Bắc khu vực Nam Mỹ. IMF cho rằng đến năm 2020 Guyana sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 86%. Trong khi đó, con số này vào năm 2019 là 4,4%.
Ngày 4/11, nhà phân tích Natalia Davies Hidalgo chia sẻ với kênh CNBC (Mỹ): “Lý do IMF dự đoán như vậy bởi Guyana có trữ lượng dầu khí bình quân đầu người cao nhất thế giới”.
Khi so sánh với đầu tàu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là Saudi Arabia, vốn sở hữu 1.900 thùng dầu trữ lượng tính theo bình quân đầu người, thì trữ lượng của Guyana thậm chí đạt tới mức 3.900 thùng/người.
Tuy nhiên, ông Hidalgo đánh giá dự đoán của IMF là “tham vọng” bởi đây là dự đoán kinh tế thường niên cao nhất cơ quan này từng đưa ra. Một nguyên nhân bắt nguồn từ việc Guyana hiện nay mới chỉ có chính phủ tạm quyền và đang chờ đợi cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng 3 năm sau, đồng nghĩa với việc quốc gia này chưa thể thông qua ngân sách cho năm 2020.
Trong khi đó, công ty phân tích thông tin IHS Markit có trụ sở tại Anh lại đánh giá, dù kinh tế có thể bùng nổ một khi hoạt động khai thác dầu mỏ được triển khai, song tình hình chính trị chưa ổn định tại Guyana khiến tăng trưởng kinh tế của nước nhiều khả năng sẽ đạt 30%, thay vì 86% như IMF dự đoán.