Quốc gia thành viên EU chặn gói vũ khí 500 triệu euro cho Ukraine

Quốc gia này đã chặn khoản thanh toán 500 triệu euro dùng để mua vũ khí, thiết bị quân sự cho Ukraine khi Kiev đang chuẩn bị cho cuộc phản công.

Chú thích ảnh
Hungary chặn khoản thanh toán 500 triệu euro cho Ukraine trong một động thái được cho là Budapest muốn EU tiêu tiền của mình ở nơi khác. Trong ảnh, Thủ tướng Viktor Orban tham dự hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ, ngày 23/3/2023. Ảnh: AP
 

Hãng thông tấn ANSA của Italy đưa tin Hungary đã chặn việc chuyển vũ khí và thiết bị quân sự trị giá 500 triệu euro (544 triệu USD) từ EU sang Ukraine. Trong lúc Kiev đang nỗ lực vận động vũ khí của phương Tây để chuẩn bị cho cuộc phản công đã dự kiến từ lâu, gói viện trợ này đã được dự kiến sẽ chuyển đi vào tuần tới.

Gói viện trợ nói trên được cho là lần rút tiền thứ tám dành cho Ukraine từ Quỹ Cơ sở Hòa bình Châu Âu (EPF), một quỹ trị giá 5,6 tỷ euro (6,08 tỷ USD) mà EU sử dụng để tài trợ cho quân đội nước ngoài và bồi hoàn cho các thành viên của mình gửi vũ khí cho các cuộc xung đột ở nước ngoài.

Trước tháng 2 năm ngoái, Quỹ Cơ sở Hòa bình chỉ được sử dụng để cung cấp thiết bị phi sát thương cho Gruzia, Mali, Moldova, Mozambique và Ukraine, với tổng số tiền chưa đến 125 triệu USD. Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, quỹ này đã chuyển phần lớn dòng tiền cho Ukraine.

Budapest đã từ chối cho phép chuyển giao gói viện trợ mới nhất trừ khi họ nhận được “sự đảm bảo” rằng Quỹ Cơ sở Hòa bình châu Âu sẽ duy trì phạm vi “toàn cầu” của nó và không được sử dụng chỉ để trang bị vũ khí cho Ukraine - hãng thông tấn ANSA đưa tin, trích dẫn “một nguồn tin được thông báo”.

Việc Hungary chặn nguồn cung cấp vũ khí cho Kiev không có gì đáng ngạc nhiên. Mặc dù Hungary là thành viên của NATO, Thủ tướng Viktor Orban đã từ chối cho phép khối do Mỹ lãnh đạo này gửi vũ khí đến Ukraine qua lãnh thổ Hungary. Ông Orban đã cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO đã châm ngòi cho cuộc xung đột “làm tổn hại đến lợi ích của châu Âu”, trong khi chính phủ của ông ủng hộ một kế hoạch của Trung Quốc nhằm giải quyết cuộc xung đột bằng con đường ngoại giao.

Cuối năm ngoái, Hungary đã tác động làm đình lại một đợt viện trợ kinh tế trị giá 18 tỷ euro (19,5 tỷ USD) cho Ukraine, mà khối này vay từ thị trường toàn cầu. Thủ tướng Orban lập luận rằng làm như vậy, EU sẽ trở thành người "mắc nợ" Ukraine. Cuối cùng, ông đã từ bỏ tác động ngăn cản đó sau khi EU dỡ bỏ lệnh đóng băng mà khối này áp đặt đối với tiền trợ cấp dành cho Hungary.

Vào tháng 1 năm nay, Hungary cũng đã chặn việc cung cấp đợt vũ khí thứ bảy từ Quỹ Cơ sở Hòa bình cho Ukraine, mặc dù gói này đã được phê duyệt vài tuần sau đó.

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã nhiều lần kêu gọi phương Tây cung cấp cho ông vũ khí hạng nặng hơn và nhiều đạn dược hơn trước cuộc phản công chống lại Nga. Ông Zelensky đã đi thăm một loạt nước châu Âu như Italy, Đức, Anh và Pháp trong những ngày gần đây và nhận được nhiều lời hứa viện trợ hơn nữa từ cả bốn nước, nhưng nhà lãnh đạo Ukraine vẫn khẳng định ông cần máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa hơn để thực hiện cam kết giành lại các vùng lãnh thổ đã mất kiểm soát, gồm Kherson, Zaporozhye, Donetsk, Lugansk và cả Crimea.

Các quan chức quân sự Mỹ đã công khai bày tỏ nghi ngờ rằng quân đội Ukraine có thể đạt được những mục tiêu này và các tài liệu của Lầu Năm Góc bị rò rỉ cho thấy Washington đã chuẩn bị cho một kịch bản phản công thất bại. Tuy vậy, những tài liệu như vậy chưa được kiểm chứng.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT)
NATO chia rẽ về tư cách thành viên của Ukraine
NATO chia rẽ về tư cách thành viên của Ukraine

Các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Dương (NATO) đang bế tắc trong đàm phán để quyết định những bước tiếp theo trong chặng đường Ukraine gia nhập khối quân sự này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN