Theo tờ Bloomberg, nguồn cung điện của quốc gia Nam Á này trở nên thặng dư vào năm ngoái sau hàng loạt nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu tham đá và khí đốt được đưa vào hoạt động. Hầu hết các nhà máy này sử dụng nguồn kinh phí từ “Sáng kiến Vành đai và Con đường” do Trung Quốc khởi xướng và triển khai từ năm 2013. Theo như chuyên gia Tabish Gauhar, trợ lý đặc biệt của Thủ tướng Imran Khan về lĩnh vực năng lượng, thì Pakistan dự kiến sẽ thừa khoảng 50% sản lượng điện vào năm 2023.
Đây chính là vấn đề của nước này vì Chính phủ Pakistan là nhà mua điện duy nhất và phải trả tiền cho nhà sản xuất ngay cả khi họ không sản xuất điện. Ông Gauhar cho biết, để giải quyết tình trạng khó khăn này, chính phủ đã đàm phán với các nhà sản xuất để chấm dứt cơ chế mua bán trên, hạ thấp giá bán điện và yêu cầu họ tạm dừng các dự án xây dựng nhà máy mới. Chính phủ cũng cố gắng thuyết phục các công ty sản xuất điện chuyển sang các nhà máy điện sử dụng khí đốt. Ông phàn nàn: “Chúng tôi có quá nhiều điện với giá thành đắt và đó là một gánh nặng”.
Trong khi nguồn cung cấp tài chính từ Trung Quốc và thặng dư sản lượng điện đến với Pakistan sau nhiều năm rơi vào cảnh thiếu điện - các nhà cung cấp không thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và rất nhiều thành phố lớn mất điện gần như cả ngày trời - thì đất nước này vẫn phải đối mặt với hai vấn đề chính chưa thể giải quyết. Đó là xây dựng mạng lưới truyền tải điện năng và cung cấp điện với giá thành rẻ hơn trong khi không làm tăng khí thải nhà kính.
Chuyên gia nghiên cứu Simon Nicholas của Viện Phân tích Kinh tế và Tài chính Năng lượng cho biết: “Pakistan dư thừa sản lượng nhưng nước này vẫn bị thiếu điện vì sự không đáng tin cậy của mạng điện lưới. Họ đã không đầu tư vào mạng truyền tải tương xứng như đầu tư vào các nhà máy điện”.
Lần mất điện trên toàn quốc gần đây nhất mới xảy ra vào đầu tháng 1 sau sự cố thiếu điện ở một nhà máy sản xuất lớn nhất cả nước. Trong khi các nhà máy điện mới xây dựng khiến việc sản xuất điện than đá đạt mức kỷ lục bằng 1/5 tổng sản lượng điện, Pakistan cũng lên kế hoạch nâng tỷ trọng điện gió và mặt trời lên 30% và điện từ các đập thủy điện lên 30%.
Pakistan sẽ trả các nhà sản xuất điện tư nhân 450 tỷ rupee (khoảng 2,8 tỷ USD) tiền nợ quá hạn trong một thỏa thuận nhằm giảm giá thành điện trong tương lai. Theo Gauhar, chính phủ dự kiến trả 40% khoản nợ này vào cuối tháng 2 và trả đợt hai vào trước tháng 12. Đợt trả thứ 3 sẽ bằng tiền mặt và phần còn lại sẽ bằng công cụ thu nhập cố định.
Ông Guahar cho biết thêm các nhà máy điện của Chính phủ Pakistan có sản lượng khoảng 8 Gigawatt cũng sẽ phải cắt giảm giá bán điện. Pakistan cũng lên kế hoạch đàm phán để có mức giá mua điện giá thấp hơn đối với nhà khai thác và sản xuất điện tại khu vực mỏ than Thar.
Chính phủ quốc gia Nam Á này nhắm tới mục tiêu tạm dừng các dự án nhà máy điện với với tổng sản lượng khoảng 10 Gigawatt, bao gồm các nhà máy điện than và điện gió sau khi không có nhu cầu điện năng thêm vào năm tới.