Theo trang The Guardian (Anh), nhu cầu mua hộ chiếu Vanuatu ngày càng gia tăng đã mang lại nguồn thặng dư lớn chưa từng thấy cho nước này. Nhờ vào khoản tiền này, Vanuatu đã có thể tung ra các gói cứu trợ dịch COVID-19 và giải quyết hậu quả của cơn bão nhiệt đới Harold.
Hầu hết mọi lĩnh vực trong nền kinh tế vốn mong manh của nước này đang lao đao trước cuộc khủng hoảng kép. Đại dịch COVID-19 bùng phát khiến việc giao thương bị đình trệ, trong khi đó, cơn bão mạnh cấp 5 ập vào quốc gia này hồi tháng 4, đã khiến hàng nghìn người rơi vào cảnh khó khăn. Tuy nhiên, chương trình “bán quyền công dân” đang gây tranh cãi của Vanuatu đã thu về nguồn lợi nhuận lớn, với 33,3 triệu USD trong nửa đầu năm 2020.
Theo thống kê của chính phủ, doanh thu từ các chương trình liên quan đến quyền công dân của Vanuatu đã tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối tháng 6, quốc gia này đã thu được 62,6 triệu USD, tương đương gần 80% thu nhập dự kiến của chương trình bán quốc tịch trong cả năm. Hiện tại, doanh thu từ việc bán hộ chiếu vẫn đang được đẩy mạnh. Ông Ronald Warsal, Chủ tịch Ủy ban Quốc tịch Vanuatu cho biết, doanh thu từ hoạt động này đã tăng lên trên 84,6 triệu USD vào giữa tháng 8, vượt mức dự kiến hàng năm.
Để có được hộ chiếu Vanuatu, người mua phải chi khoảng 130.000 USD. Trong đó, khoảng 80.000 USD được chuyển trực tiếp vào nguồn ngân sách của chính phủ, phần còn lại sẽ thuộc về người đại diện bán quốc tịch, người này phải là công dân Vanuatu, sinh ra hoặc nhập tịch tại quốc gia này và phải trả thuế 15% mức doanh thu của họ.
Số liệu này cho thấy ít nhất 650 người đã nhận được quốc tịch Vanuatu theo chương trình “bán quyền công dân” kể từ đầu năm đến nay.
Hộ chiếu Vanuatu luôn được nhiều người “săn đón” vì nó có thể giúp công dân được miễn thị thực vào EU, Vương quốc Anh, Nga, Hong Kong (Trung Quốc) và nhiều quốc gia khác khó nhập cảnh hơn.
Theo dữ liệu nhập cư trước đại dịch, ngay cả khi biên giới mở cửa, có rất ít người sử dụng quốc tịch mới của họ để cư trú thực sự ở Vanuatu. Điều đáng lo ngại là một trong số ít những công dân mới của nước này lại lợi dụng cuốn hộ chiếu Vanuatu để đạt mục đích xấu. Trước đó, 4 người mang quốc tịch Trung Quốc đã bị tước quyền công dân ngay khi bị phát hiện là những đối tượng nằm trong danh sách cảnh báo đỏ của tổ chức Interpol.
Thủ tướng Bob Loughman, lãnh đạo đảng Vanua’aku, đã cam kết sẽ xem xét lại chương trình bán quốc tịch trong chiến dịch tranh cử của mình.
Trước năm 2020, du lịch và các ngành dịch vụ liên quan chiếm phần lớn hoạt động thương mại ở hai thành phố lớn nhất tại Vanuatu, với 1/3 lao động chính thức. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lệnh phong tỏa đã khiến khiến các hoạt động trong ngành này bị tê liệt. Trong khi đó, thiệt hại do bão Harold gây ra ước tính lên đến 100 triệu USD, khiến Chính phủ Vanuatu rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn bao giờ hết.
Sau cam kết của chính phủ về chương trình bán quốc tịch, số lượng đại lý được cấp phép hoạt động đã tăng lên gấp đôi. Đã có trên 90 chủ sở hữu giấy phép được liệt kê trên trang web của Ủy ban Quốc tịch với tư cách là đại lý của chương trình hỗ trợ phát triển Vanuatu.
Kể từ khi các chương trình bán hộ chiếu được triển khai hồi năm 2016, Vanuatu đã tích lũy được nguồn dự trữ tiền mặt chưa từng có. Chính phủ đã trang trải phần lớn các khoản nợ trong nước và thanh toán một số khoản nợ bên ngoài sớm hơn dự kiến. Đầu năm nay, Bộ Tài chính Vanuatu đã trả khoảng 13 triệu USD tiền nợ Trung Quốc trước thời hạn. Đồng thời, gói cứu trợ dịch COVID-19 của chính phủ cũng đã được duy trì nhờ nguồn dự trữ tiền mặt tương đối lớn.
Trong thời gian qua, nhiều người dân Vanuatua đã kịch liệt phản đối các chương trình mua bán quốc tịch. Nhưng gần đây điều này đã được tiết chế lại, có lẽ vì chương trình này đã khiến cho nền kinh tế của quốc gia Nam Thái Bình Dương phát triển hơn trước.
“Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người”
Link tải về ứng dụng Bluezone: trên
Android; trên
iOS
Xem hướng dẫn cài Bluezone
tại đây