Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Quốc hội Anh đã nghỉ Lễ Phục sinh sớm hơn 1 tuần so mới mọi năm. Thủ đô London hiện là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại địch tại trên cả nước. Nhiều nghị sỹ cũng đã phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19. Thủ tướng Anh Boris Johnson hiện vẫn đang trong giai đoạn phục hồi tại nhà riêng ở ngoại ô London sau một tuần điều trị COVID-19 tại bệnh viện.
Hiện Anh vẫn đang áp dụng phong tỏa toàn quốc, khuyến cáo người dân ở nhà, nhưng các nghị sỹ vẫn quyết định mở cửa Quốc hội trở lại. Các quy định giãn cách xã hội yêu cầu mọi người dân giữ khoảng cách tối thiểu 2m, đồng nghĩa sẽ chỉ có 50 trong tổng số 650 nghị sỹ được có mặt tại Hạ viện trong cùng một thời điểm. Do đó, các nghị sỹ được khuyến khích tham gia phiên họp thông qua ứng dụng họp trực tuyến Zoom. Các màn hình khổ lớn sẽ được lắp đặt xung quanh phòng họp để những nghị sỹ có mặt tại phòng họp có thể quan sát được các nghị sỹ tham gia họp trực tuyến. Đây là lần đầu tiên Quốc hội 700 năm tuổi này tổ chức họp dưới hình thức như vậy.
Chủ tịch Hạ viện Lindsay Hoyle cho biết: "Trong giai đoạn khủng hoảng, chúng ta phải tìm cách thức làm việc mới, như chúng ta đã làm trong suốt chiều dài lịch sử". Ông nhấn mạnh đây sẽ là "thời khắc lịch sử" trong lịch sử 700 năm của nghị viện, các nghị sỹ đóng góp ý kiến, đặt ra các câu hỏi cấp bách cũng như thể hiện quan điểm của mình thông qua hình thức trực tuyến tại nhà riêng hoặc tại văn phòng.
Các nghị sỹ tham dự trực tiếp cuộc họp sẽ được hỏi ý kiến có chấp thuận cách thức làm việc mới này không và việc lựa chọn tham dự từng cuộc họp trực tuyến cụ thể sẽ bắt đầu vào ngày 22/4. Sẽ chỉ có tối đa 120 nghị sỹ tham dự trực tuyến trong một phiên họp và hiện nay chưa có quy định nào cho phép hình thức bỏ phiếu điện tử.
Hiện Thủ tướng Johnson đang phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng về các biện pháp đối phó với dịch COVID-19 của chính phủ, từ vấn đề thiếu ngân sách y tế trong nhiều năm đến trì hoãn áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc. Trong bối cảnh đội ngũ y tế tiếp tục phàn nàn về tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo hộ cá nhân và việc xét nghiệm nhanh COVID-19 vẫn còn hạn chế, cuộc tranh luận đang chuyển hướng sang cách thức nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Cùng ngày, Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) ghi nhận mức tăng thực sự số ca tử vong do COVID-19 tại Anh cao hơn 40% so với các số liệu hằng ngày được chính phủ cập nhật tính tới ngày 9/4. Theo đó, cơ quan trên đã ghi nhận 13.121 ca tử vong tính tới ngày 9/4 tại Anh và xứ Wales, so với con số 9.288 ca trong số liệu thống kê hằng ngày của chính phủ.
Số ca tử vong mới nhất được công bố trước đó 1 ngày cho thấy đã có 16.509 người không qua khỏi do mắc COVID-19 trên toàn quốc. Theo hãng tin Reuters, nếu con số của ONS chính xác, số ca tử vong tại Anh có thể lên tới hơn 23.000 người dựa trên số liệu mới nhất, khiến nước này trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai tại châu Âu, sau Italy.
Cũng trong ngày 21/4, Chính phủ Anh thông báo đã tiếp nhận hơn 1,5 triệu đơn xin trợ cấp Universal Credit - một khoản thanh toán an sinh xã hội của Anh - kể từ giữa tháng 3 vừa qua, khi chính phủ bắt đầu yêu cầu người dân hạn chế tiếp xúc xã hội nếu không cần thiết nhằm chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2.
Giới chuyên gia nhận đinh dịch COVID-19 đang làm trầm trọng hơn tình trạng nghèo khó ở Anh, nơi tỷ lệ người dân thuộc tầng lớp nghèo khó vốn đã ở mức cao sau 1 thập kỷ lao đao do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thống kê cho thấy hơn 14 triệu người ở Anh, chiếm 1/4 dân số nước này, là người nghèo. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi ngày càng nhiều người Anh mất việc do biện pháp phong tỏa để chống dịch COVID-19.