Thủ tướng May đã buộc phải hoãn cuộc bỏ phiếu về dự thảo trên hồi tháng 12/2018, sau khi bà lo ngại rằng văn kiện này sẽ bị đa số nghị sĩ phản đối. Chính phủ Anh trước đó cũng công bố cuộc bỏ phiếu này sẽ được tổ chức trong tuần bắt đầu từ ngày 14/1.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn BBC, Thứ trưởng Brexit của Anh Kwasi Kwarteng bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May sẽ được thông qua vào tuần tới. Ông cũng cảnh báo rằng nếu thỏa thuận không được phê chuẩn, điều này sẽ dẫn đến những nguy cơ và bất ổn.
Thỏa thuận Brexit trên đã được Thủ tướng May nhất trí với EU, song văn bản này vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ Anh, do điều khoản "rào chắn", tức là kế hoạch dự phòng cho biên giới Ireland, giúp duy trì biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland sau Brexit. Dù điều khoản này đã góp phần quan trọng giúp Anh và EU khơi thông thế bế tắc trong đàm phán và đi đến thỏa thuận, nhưng đây lại là vấn đề đối nội lớn nhất mà bà May vấp phải khi mang thỏa thuận "về nhà".
Hiện có hai lựa chọn cho các nghị sĩ: thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit của chính phủ, hoặc chính phủ sẽ quyết định theo phương án rời EU đúng ngày đã định mà không có thỏa thuận. Kịch bản xấu nhất này sẽ để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế và thương mại với Anh và cũng ảnh hưởng không nhỏ tới EU.
Kết quả một cuộc thăm dò mới đây, do viện YouGov thực hiện, cho thấy nếu một cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức ngay lúc này, có 46% số cử tri sẽ bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU, 39% sẽ bỏ phiếu rời đi, và phần còn lại trả lời không biết, sẽ không bỏ phiếu, hoặc từ chối trả lời câu hỏi. Nếu loại bỏ số người chưa quyết định và số người từ chối trả lời câu hỏi, tỷ lệ ủng hộ Anh ở lại EU sẽ là 54/46.