Theo trang tin châu Âu Euractiv.com, Quốc hội Hà Lan ngày 20/10 đã thông qua một nghị quyết nêu rõ rằng nước này sẽ phản đối việc gia nhập khu vực Schengencủa của Romania và Bulgaria.
Nghị quyết trên được thông qua hai ngày sau khi Nghị viện châu Âu ra nghị quyết với đa số áp đảo, hối thúc các nước thành viên Schengen cho phép Romania và Bulgaria gia nhập khu vực tự do đi lại của EU ngay lập tức.
Nghị sĩ Nghị viện châu Âu của Hà Lan Sophia Veld cho biết, trong khi đảng của bà ủng hộ hai nước trên tham gia, những người khác trong chính phủ thì không. “Tôi vô cùng tiếc về điều này. Đảng của tôi đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết; chúng tôi muốn Romania và Bulgaria ngay lập tức tham gia vào khu vực Schengen; họ đã hoàn thành các tiêu chí cần thiết. Không phải tất cả mọi người ở Hà Lan đều chống lại điều đó”, bà Veld nói.
Theo nghị quyết, Quốc hội Hà Lan yêu cầu Chính phủ do Thủ tướng Mark Rutte lãnh đạo phủ quyết việc gia nhập Schengen của Romania và Bulgaria, vì họ muốn phân tích sâu hơn hoạt động của nhà nước pháp quyền và việc giảm thiểu tham nhũng cũng như tội phạm có tổ chức ở cả hai nước.
Quốc hội Hà Lan tuyên bố rằng sự phổ biến của những vấn đề trên ở một quốc gia Schengen “có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho hoạt động kiểm soát biên giới của quốc gia liên quan và do đó có nguy cơ đối với an ninh của Hà Lan và toàn bộ khu vực schengen".
Bình luận về nghị quyết đã được thông qua tại Hà Lan, Thủ tướng Romania Nicolae Cuca, nói rằng vấn đề này không có gì đáng lo ngại vì Romania đã làm mọi thứ cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để gia nhập. Điều này bao gồm việc tuân thủ các vấn đề mà nghị quyết của Hà Lan đã đề cập.
Ông Cuca nói thêm rằng các quan chức Hà Lan được hoan nghênh đến thăm Romania để tìm hiểu thực tế nếu họ cho rằng có vấn đề.
Về phần mình, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã phản ứng mạnh hơn. Phát biểu với các nhà báo Bulgaria khi ông đến dự cuộc họp của Hội đồng EU ngày 21/10, ông Radev cho biết Sofia và Bucharest đã trở thành "con tin của chính trị nội bộ Hà Lan".
Tuy nhiên, ông Radev dự đoán tình hình này sẽ không kéo dài vì “điều quan trọng nhất là tất cả các quốc gia đang ủng hộ Bulgaria”, đề cập đến các cuộc đàm phán với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và một số nhà lãnh đạo khác của các quốc gia Schengen.
Hiện tại, đa số các nước thành viên EU đều thuộc khu vực Schengen, ngoại trừ Croatia, Bulgaria, Romania, Síp và Ireland. Khu vực Schengen cũng bao gồm cả các quốc gia không thuộc EU là Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein.