Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, kỳ họp dự kiến sẽ kéo dài trong 30 ngày. Các đại biểu tham dự sẽ tập trung thảo luận các dự luật dân sinh và cải cách, trong đó có 3 dự luật liên quan đến trường mẫu giáo, dự luật về tăng cường sức khỏe và hỗ trợ dịch vụ phúc lợi cho bệnh nhân tâm thần (còn gọi là Luật Lim Se-won), dự luật về mở rộng chế độ thời gian làm việc linh hoạt, dự luật về thành lập cơ quan điều tra quan chức cấp cao tham nhũng.
Kỳ họp này diễn ra trong bối cảnh từ đầu tuần này, đảng Hàn Quốc Tự do (LKP) đối lập đã chấm dứt tẩy chay các hoạt động của Quốc hội. Cơ quan lập pháp Hàn Quốc đã không thể tiến hành bất cứ phiên họp nào kể từ tháng 1 vừa qua do căng thẳng liên quan đến các cáo buộc chính phủ lạm quyền, bổ nhiệm gây tranh cãi. Tuy nhiên, các đảng đã quyết định tham gia kỳ họp của quốc hội sau những chỉ trích của dư luận về việc các nghị sĩ làm ngơ cuộc sống của người dân.
Dẫu vậy, các đảng phái ở Hàn Quốc vẫn chưa thu hẹp được bất đồng trong những vấn đề chính liên quan đến trường mẫu giáo và dự luật về thành lập cơ quan điều tra quan chức cấp cao tham nhũng, trong khi mỗi đảng vẫn đang chủ trương thông qua những dự luật khác nhau. Không chỉ vậy, chính giới Hàn Quốc còn được cho là sẽ tranh cãi kịch liệt về dự luật cải cách cơ chế bầu cử. Hiện tại, ngoài LKP, cả 4 đảng còn lại đều đang thảo luận về việc thông qua nhanh dự luật này. Do đó, giới phân tích cho rằng việc thông qua các dự luật trong kỳ họp Quốc hội lần này sẽ rất gian nan.
Theo kế hoạch, sau phiên khai mạc, Quốc hội sẽ tiến hành bầu tân Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao và thống nhất, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về dự toán và quyết toán ngân sách của Quốc hội. Từ ngày 11-13/3, đại diện tại Quốc hội của các đảng sẽ có bài phát biểu, tiếp đó tiến hành phiên chất vấn chính phủ từ ngày 19-22/3. Phiên họp toàn thể sẽ được tiến hành vào ngày 23/3 để thông qua các dự luật.