Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, theo lịch trình từ ngày 18-19/2, đại diện các chính đảng sẽ lần lượt có bài phát biểu trước Quốc hội. Phiên chất vấn Chính phủ Hàn Quốc sẽ diễn ra trong ba ngày (từ ngày 24/2 tới).
Giới phân tích cho rằng khả năng chính giới sẽ chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề nổi cộm như ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona COVID-19 (nCoV) hay nghi vấn Phủ Tổng thống can thiệp vào bầu cử.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành tuyên bố sẽ thay thế 20% nghị sĩ đương nhiệm. Cuối tuần trước, đảng này đã quyết định gạch tên 23 nghị sĩ (20% trên tổng số 129 nghị sĩ đương nhiệm) khỏi danh sách tiến cử của đảng, nhưng không công bố danh tính cụ thể. Các nghị sĩ này nếu không tự nguyện rút lui mà vẫn tiếp tục tranh cử thì sẽ phải cạnh tranh vị trí ứng cử viên đảng Dân chủ đồng hành với các chính trị gia mới.
Cuối tuần qua, có thêm 3 nghị sĩ của đảng đối lập Hàn Quốc tự do tuyên bố không tranh cử. Tính đến ngày 17/2, tổng cộng có 16 nghị sĩ của đảng này đã tuyên bố không tranh cử.
Đảng Hàn Quốc tương lai hợp nhất mới đã ra mắt ngày 17/2 với tên gọi chính thức là đảng Tương lai hợp nhất, gồm ba đảng là Hàn Quốc tự do, đảng Bảo thủ mới và đảng Hướng tới tương lai 4.0. Ban lãnh đạo đảng gồm 12 người, trong đó có các ủy viên tối cao của đảng Hàn Quốc tự do, như Chủ tịch Hwang Kyo-ahn và tỉnh trưởng Jeju Won Hee-ryong.
Trong khi đó, quá trình thảo luận hợp nhất ba chính đảng cùng khu vực Honam (thành phố Gwangju, tỉnh Nam và Bắc Jeolla), gồm đảng Tương lai chính nghĩa, đảng Hòa bình dân chủ và đảng Giải pháp thay thế mới vẫn đang gặp trở ngại, do Chủ tịch đảng Tương lai chính nghĩa Sohn Hak-kyu hiện vẫn từ chối sáp nhập.