Theo tờ The Hill và Washington Post, gói cứu trợ đã được thông qua với tỷ lệ phiếu sít sao và mang đậm tính đảng phái tại Hạ viện do toàn bộ phe Cộng hòa thiểu số phản đối. Như vậy, gói cứu trợ 1.900 tỷ USD đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua, vì trước đó gói cứu trợ này đã vượt qua “ải” Thượng viện.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật về gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD nói trên với 220 phiếu thuận và 211 phiếu chống, 4 ngày sau khi Thượng viện Mỹ phê chuẩn dự luật nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh COVID-19. Đây là gói cứu trợ COVID-19 thứ ba của Mỹ và là biện pháp cứu trợ đại dịch lớn nhất trong lịch sử "xứ sở cờ hoa".
Gọi cứu trợ bao gồm các nội dung chính như sau: chi trả 1.400 USD cho một cá nhân và một khoản tương tự cho mỗi người phụ thuộc; Trợ cấp thất nghiệp 400 USD/tuần áp dụng tới ngày 29/8 và có thể gia hạn; Chi 20 tỷ USD cho chương trình phân bổ vaccine COVID-19 và 50 tỷ USD khác cho các chương trình xét nghiệm và truy vết virus SARS-CoV-2; Chi 350 tỷ USD cứu trợ chính quyền các tiểu bang và địa phương; Chi 25 tỷ USD để hỗ trợ người thuê nhà trả phí; Chi 170 tỷ USD để hỗ trợ sinh viên và giúp các trường học từ cấp mẫu giáo (K) cho tới lớp 12 mở lại trường học; Đặc biệt, gói cứu trợ của Hạ viện Mỹ có cả điều khoản nâng lương tối thiểu của người lao động liên bang lên 15 USD/giờ, song điều khoản này nhiều khả năng sẽ bị chặn tại Thượng viện.
Trong chuyến công tác chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức tới thành phố Milwaukee, thuộc bang Wisconsin hôm 16/2 vừa qua, Tổng thống Biden cam kết sẽ thúc đẩy nhanh chóng để đưa gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD đến người dân.
Phát biểu trên chương trình phát sóng trực tiếp của kênh CNN từ tòa thị chính ở Milwaukee, Tổng thống Biden nhấn mạnh đây là thời điểm để chính phủ giải ngân khoản tiền lớn. Gói hỗ trợ kinh tế của ông Biden có quy mô gấp đôi gói hỗ trợ mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 12 năm ngoái sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Chính quyền Mỹ cho biết khoản ngân sách lớn trên gồm khoản trợ cấp 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ, qua đó ngăn chặn sự chững lại của đà hồi phục kinh tế. Bên cạnh đó, gói chi tiêu của ông Biden còn cam kết thúc đẩy chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19, vốn được xem là thách thức tài chính, y tế và hậu cần mà chính quyền của Tổng thống Biden sẽ phải giải quyết trong nhiệm kỳ này.
Tổng thống Biden cam kết đến cuối tháng 7 tới Mỹ sẽ có 600 triệu liều vaccine, đủ để tiêm chủng cho tất cả người dân Mỹ. Bày tỏ lạc quan về tương lai cuộc sống của người dân Mỹ trở lại bình thường, Tổng thống Biden cho biết ông mong muốn nhanh chóng đưa trẻ em quay lại trường học và chủ trương tiêm vaccine cho các giáo viên.
Việc lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật về gói cứu trợ qui mô lớn chưa từng thấy này được coi là một chiến thắng chính trị quan trọng đối với Chính quyền Tổng thống Biden, người coi việc ứng phó đại dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối nội kể từ khi lên nắm quyền.
Quyết định của Quốc hội Mỹ cùng với tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được thúc đẩy, khiến triển vọng nền kinh tế Mỹ trở nên tươi sáng hơn nhiều so với dự đoán vào đầu năm nay. Theo ông Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng của Amherst Pierpont Securities LLC, khoản tiền trợ cấp trị giá 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ, cùng với các khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung và tốc độ tiêm chủng được thúc đẩy nhanh chóng sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế trong suốt cả năm.
Dự kiến, Tổng thống Biden sẽ ký ban hành dự luật ngay khi văn bản được Quốc hội Mỹ trình lên.