Trước đó, cùng ngày, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga cũng đã thông qua dự luật này sau khi được Tổng thống Vladimir Putin trình lên một ngày trước đó. Dự luật này sẽ có hiệu lực tại thời điểm được công bố chính thức. Quyết định khôi phục tham gia hiệp ước sẽ do Tổng thống Nga đưa ra.
Trong Thông điệp Liên bang trưa 21/2, Tổng thống Putin khẳng định Nga đình chỉ việc tham gia New START, nhưng không rút khỏi hiệp ước này. Bộ Ngoại giao Nga cũng thông báo, bất chấp quyết định đình chỉ tham gia New START, quốc gia này vẫn sẽ tôn trọng giới hạn vũ khí hạt nhân trong hiệp ước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Nga sẽ tiếp tục trao đổi thông tin về các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo theo các thỏa thuận trước đó với Mỹ.
Quyết định đình chỉ New START của Moskva là có thể đảo ngược. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh Nga sẵn sàng quay trở lại hiệp ước New START ngay khi nhận thấy phương Tây có thiện chí xem xét các mối quan ngại của Moskva.
New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Hiệp ước được ký kết năm 2010 nhằm hạn chế kho vũ khí của hai nước ở mức tối đa là 1.550 đầu đạn hạt nhân, giảm gần 30% so với mức đặt ra hồi năm 2002. Tháng 1/2021, Tổng thống Putin đã nhất trí gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm, tới năm 2026. Mỗi năm, Moskva và Washington được thực hiện tối đa 20 lần thanh sát lẫn nhau trong khuôn khổ New START.
Trước đó, Mỹ cũng đã rút khỏi một loạt thỏa thuận kiểm soát vũ khí ký với Nga như Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước Bầu trời mở.