Nghị quyết trên do Chủ tịch Ủy ban Kashmir của Quốc hội Pakistan, ông Syed Fakhar Imam đệ trình và nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Văn bản này chỉ trích "nỗ lực đơn phương và mang tính ép buộc (của Ấn Độ) nhằm thay đổi hiện trạng tranh chấp của vùng lãnh thổ Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, vốn được ghi rõ trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ)".
Bên cạnh đó, nghị quyết kêu gọi HĐBA LHQ nắm rõ vấn đề này và Hội đồng Nhân quyền LHQ thành lập một ủy ban điều tra, trong khi đề nghị Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) lập tức triệu tập một phiên họp cấp cao bất thường, làm việc với LHQ để chấm dứt cuộc trấn áp ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
Trước đó cùng ngày, sau một cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi đã đưa ra một tuyên bố chính sách khái quát các hành động tức thì mà chính quyền Islamabad sẽ áp dụng, trong đó có hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ thương mại song phương với Ấn Độ và đưa vấn đề này ra LHQ, đặc biệt là HĐBA.
Đây là nấc thang mới trong căng thẳng ngoại giao gần đây giữa Pakistan và Ấn Độ, sau khi New Delhi ngày 5/8 đưa ra quyết định chính trị có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với khu vực Kashmir tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan trong gần 7 thập kỷ qua, khi công bố sắc lệnh bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir, đồng thời trình dự luật tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang gồm Ladakh cùng Jammu và Kashmir. Ấn Độ cũng đã triển khai hơn 40.000 binh sĩ bán vũ trang ở Jammu và Kashmir, đồng thời đặt các lực lượng quân sự trong tình trạng báo động cao.
Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Hiện Kashmir được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir.