Kiến nghị được thông qua với 65 phiếu thuận, 36 phiếu chống và 24 phiếu trắng. Kiến nghị cần hội đủ 52 phiếu thuận trong 130 ghế trong Quốc hội đề được thông qua. Để bãi nhiệm tổng thống cần 87 phiếu thuận. Sau khi Tống thống Vizcarra phản biện tại Quốc hội Peru vào ngày 18/9 tới, quốc hội sẽ tiến hành phiên họp toàn thể thảo luận và bỏ phiếu về việc này.
Tổng thống Vizcarra bác bỏ mọi cáo buộc và khẳng định ông sẽ không từ chức, đồng thời khuyến cáo các nghị sĩ nên hành động "thận trọng, có trách nhiệm và đưa ra quyết định mà họ cho là cần thiết".
Trong khi đó, Thủ tướng Peru Walter Martos chỉ trích động thái trên của Quốc hội đối với Tổng thống, nhấn mạnh "những gì Quốc hội đang làm hiện nay là một cuộc đảo chính".
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Peru đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-10 gây ra, khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Nam Mỹ này giảm tới 30%. Nhà phân tích chính trị Fernando Rospigliosi cho rằng việc bãi nhiệm tổng thống trong tình hình khủng hoảng hiện nay sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt trong bối cảnh chỉ còn 7 tháng nữa là đến cuộc tổng tuyển cử.
Tổng thống Vizcarra lên nắm quyền từ năm 2018. Ông đối mặt với sự chỉ trích sau khi xuất hiện các bản ghi âm bị rò rỉ, trong đó Tổng thống được cho là đang trao đổi với các trợ lý để che giấu việc văn phòng của ông trả lương cho một ca sĩ địa phương ít tiếng tăm làm cố vấn văn hóa.
Tháng 5 vừa qua, báo chí Peru phát hiện rằng, vào giai đoạn cao điểm dịch bệnh, Bộ Văn hóa Peru đã thuê ca sĩ Richard Cisneros diễn thuyết và biểu diễn. Ca sĩ này trước đó từng phát biểu với truyền thông rằng mình từng là cố vấn cho chính phủ. Quốc hội sau đó đã mở cuộc điều tra về các hợp đồng được cho là bất thường trả thù lao 10.000 USD cho ca sĩ này.