Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Đơn kiến nghị đã nhận được sự ủng hộ của 93 nghị sĩ trong tổng số 118 nghị sĩ Quốc hội có mặt, theo đó, cuộc thảo luận kiến nghị luận tội Tổng thống Kuczynski sẽ được tiến hành vào ngày 21/12 tới. Chủ tịch Quốc hội Luis Galarreta cho biết quyết định trên sẽ được thông báo tới Tổng thống Kuczynski để ông thực hiện quyền tự bào chữa trong cuộc họp tới và có thể mời luật sư bào chữa cho mình nếu thấy cần thiết.
Theo luật pháp Peru, việc phế truất tổng thống sẽ cần được 87/130 nghị sĩ ủng hộ. Đảng Sức mạnh Nhân dân (PF) theo đường lối cánh tả, hiện đang kiểm soát cơ quan lập pháp, đã cảnh báo sẽ bắt đầu tiến trình luận tội nếu Tổng thống Kuczynski không từ chức trước ngày 21/12.
Tuy nhiên, Tổng thống Kuczynski đã phản đối tối hậu thư trên. Trong một bài phát biểu trên truyền hình gửi tới toàn dân tối 14/12 vừa qua, ông khẳng định sẽ "không từ bỏ danh dự, giá trị hoặc trách nhiệm tổng thống của mình", và sẽ "không bỏ chạy, không trốn tránh", đồng thời hứa sẽ hợp tác với cơ quan điều tra của Quốc hội và văn phòng tổng chưởng lý.
Ngày 13/12 vừa qua, Odebrecht khai là đã trả cho ông Kuczynski 5 triệu USD phí tham vấn trong thời gian từ năm 2004 đến 2013, khi ông Kuczynski còn là Bộ trưởng Kinh tế và đứng đầu Nội các của Tổng thống Alejandro Toledo. Bản thân cựu Tổng thống Toledo cũng bị cho là đã nhận 20 triệu USD tiền lót tay để Odebrecht giành được một hợp đồng dự án đường cao tốc. Tổng thống Kuczynski bác bỏ mọi cáo buộc.
Ông Kuczynski là Tổng thống thứ 3 của Peru dính vào vụ bê bối Odebrecht, tập đoàn vốn là tâm điểm cuộc khủng hoảng tại Mỹ Latinh thời gian qua khi thừa nhận hối lộ giới chính trị gia khắp khu vực, trong đó có các nước như Ecuador, Mexico, Panama và Venezuela. Cựu Tổng thống Ollanta Humala đang bị tạm giam với cáo buộc nhận 3 triệu USD từ Odebrecht để trang trải cho chiến dịch chính trị của mình, trong khi ông Toledo phải đối mặt với một lệnh dẫn độ từ Mỹ.