Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 5/1, ông Sanchez cần 176 phiếu ủng hộ, tức là đa số tuyệt đối trong Quốc hội gồm 350 ghế, để dược xác nhận giữ chức Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ. Tuy nhiên, ông chỉ nhận được 166 phiếu ủng hộ, 165 phiếu chống và 18 phiếu trắng. Một nghị sĩ không tham gia bỏ phiếu. Theo kế hoạch, ông Sanchez sẽ đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần thứ hai tại Quốc hội vào ngày 7/1 tới, và lần này ông chỉ cần một đa số tối thiểu - tức là số phiếu thuận nhiều hơn số phiếu chống - để giữ chức Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ.
Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đã rơi vào bế tắc chính trị do không có chính phủ trong gần một năm qua, sau hai cuộc bầu cử tháng 4 và tháng 11. Đảng Xã hội tiếp tục chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 10/11 với 120 ghế, nhưng ít hơn 3 ghế so với cuộc bầu cử tháng 4. Ông Sanchez đã nhanh chóng ký thỏa thuận với đảng cánh tả cứng rắn Podemos (35 ghế) để thành lập một chính phủ liên minh đầu tiên tại Tây Ban Nha. Nhưng hai đảng gộp lại chỉ được 155 ghế tại Quốc hội, chưa đủ đa số quá bán, khiến ông Sanchez phải tìm kiếm sự ủng hộ từ một số đảng nhỏ địa phương.
Ngày 2/1, ERC, một đảng ủng hộ độc lập tại vùng lãnh thổ Catalonia, đã "bật đèn xanh" cho ông Sanchez đảm nhận thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng, mở đường chấm dứt bế tắc chính trị đã kéo dài nhiều tháng. Dù cơ hội đã thuận lợi hơn sau khi ông Sanchez ký một thỏa thuận để 13 nghị sĩ đảng ERC bỏ phiếu trắng, con số này chưa đủ mạnh. Theo tính toán, ông sẽ có thể chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần thứ hai với chênh lệch chỉ 2 lá phiếu.