Quốc tế cam kết đóng góp thêm 2,4 tỷ USD cho cơ chế COVAX

Tại hội nghị cấp cao về tài trợ cho cơ chế COVAX do Nhật Bản và Liên minh Toàn cầu về Vaccine và tiêm chủng (GAVI) đồng tổ chức trực tuyến ngày 2/6, chính phủ nhiều nước, các tổ chức quốc tế cùng các nhà tài trợ đã cam kết đóng góp thêm 2,4 tỷ USD cho cơ chế này nhằm phân phối vaccine cho các nước thu nhập thấp và trung bình.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ tịch GAVI Jose Manuel Barroso cho biết với các cam kết mới đạt được tại hội nghị, tổng giá trị đóng góp của quốc tế dành cho COVAX đạt gần 9,6 tỷ USD. Trong khi đó Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide không nêu mức đóng góp cụ thể đạt được trong hội nghị lần này, tuy nhiên cho biết tổng mức đóng góp đã vượt quá mục tiêu 8,3 tỷ USD đề ra ban đầu. 

Trong số các đại biểu tham dự hội nghị có Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, nhà đồng sáng lập Microsoft Corp. và nhà làm từ thiện Bill Gates. Hội nghị đặt mục tiêu huy động được 8,3 tỷ USD cho cơ chế COVAX - sáng kiến của GAVI và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vắc xin COVID-19 cho tất cả các quốc gia. Số tiền này tương đương 1,8 tỷ liều vaccine đủ tiêm cho 30% dân số các nước đang phát triển trước đầu năm 2022. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tính đến ngày 30/5, COVAX đã huy động được hơn 7 tỷ USD

Tại hội nghị, Nhật Bản cam kết tài trợ thêm 800 triệu USD, ngoài khoản đóng góp 200 triệu USD trước đó cho cơ chế COVAX. Bên cạnh đó, Tokyo cũng sẽ cung cấp 30 triệu liều vaccine sản xuất tại nước này cho COVAX trong thời gian tới. 

Mỹ hiện tại vẫn là nước đóng góp nhiều nhất cho cơ chế COVAX, với 2,5 tỷ USD và 80 triệu liều vaccine. Liên minh châu Âu (EU), với tư cách một khối, cũng đóng góp hàng tỷ USD và 100 triệu liều vaccine. Tại hội nghị lần này, Ngân hàng Đầu tư châu Âu cam kết khoản vay trị giá 900 triệu euro (1,1 tỷ USD) cho cơ chế COVAX, tăng 300 triệu euro so với mức cam kết trước đây. 

Chính phủ nhiều nước cũng tăng cam kết đóng góp cho cơ chế COVAX. Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo Canberra sẽ đóng góp thêm 50 triệu USD, nâng tổng mức đóng góp của nước này cho COVAX lên 130 triệu USD. Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanche thông báo Madrid đóng góp 15 triệu liều vaccine và 50 triệu euro (61 triệu USD) cho COVAX, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết trong cuộc chiến chống COVID-19. Trong số các nước cam kết đóng góp thêm cho cơ chế COVAX còn có Thụy Điển, Áo và Luxembourg. 

COVAX đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vaccine cho toàn thế giới trong năm 2021 và 1,8 tỷ liều cho 92 nền kinh tế có thu nhập thấp hơn vào đầu năm 2022. Trên thực tế, cơ chế này đến nay đã cung cấp 70 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho 126 quốc gia, song đang thiếu 190 triệu liều vào cuối tháng 6 tới do tốc độ lây lan dịch COVID-19 gia tăng ở Ấn Độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung của cơ chế này trong quý II năm nay.

Lan Phương (TTXVN)
Philippines đề nghị Mỹ cấp ít nhất 3 triệu liều vaccine COVID-19 dư thừa
Philippines đề nghị Mỹ cấp ít nhất 3 triệu liều vaccine COVID-19 dư thừa

Philippines đề nghị Mỹ cung cấp từ 3-5 triệu liều vaccine COVID-19 trong tổng số 80 triệu liều mà chính quyền Tổng thống Joe Biden cung cấp cho các nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN