Sau khi 4 bên tham gia cuộc gặp tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 17/4 gồm Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine đạt được thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhiều nước và tổ chức quốc tế đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận này, song nhấn mạnh điều quan trọng là phải thực hiện nó.Toàn cảnh cuộc đàm phán 4 bên về tình hình Ukraine tại Geneva ngày 17/4. Ảnh: THX-TTXVN |
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon hoan nghênh các thỏa thuận đạt được tại Geneva và cho rằng các bên gồm Nga, Ukraine, Mỹ và EU đã "thống nhất một loạt biện pháp cụ thể và khẩn cấp nhằm giảm căng thẳng tình hình và tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng". Ông bày tỏ hy vọng tất cả các bên tỏ rõ ý định nghiêm túc tiếp tục hợp tác trung thực và thực hiện các biện pháp đề ra trong thỏa thuận Geneva.
Theo ông Ban Ki-moon, việc thực hiện trung thực các thỏa thuận đạt được tại Geneva về Ukraine sẽ hỗ trợ giải quyết bền vững cuộc khủng hoảng ở nước này. Ông Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh tình hình tại Ukraine vẫn hết sức căng thẳng và đối thoại xây dựng giữa tất cả các bên là con đường duy nhất đạt giải pháp hòa bình.
Nga: Lôi kéo Ukraine gia nhập NATO sẽ phá vỡ thỏa thuận Geneva Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ trong thỏa thuận có điểm cần bắt đầu ngay lập tức đối thoại rộng rãi toàn dân về cải cách hiến pháp và Ukraine cần đảm bảo tiến trình cải cách hiến pháp minh bạch, toàn diện.
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh luật pháp Ukraine hiện nay quy định quy chế trung lập về chính trị - quân sự của nước này và trong cuộc đàm phán, Nga đã khẳng định sự thay đổi quy chế trên sẽ phá vỡ nỗ lực hợp tác về mọi vấn đề nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Lavrov cho rằng tất cả các nước đều phải tôn trọng sự lựa chọn trung lập của Ukraine, đồng thời yêu cầu các đối tác phương Tây và lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) ý thức về vấn đề này.
Ngoại trưởng Lavrov tại họp báo sau hội nghị 4 bên ở Geneva ngày 17/4. Ảnh: AFP-TTXVN |
Quyền Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya thì khẳng định Nga và Ukraine thỏa thuận cùng nỗ lực giảm căng thẳng tại miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố chính quyền lâm thời Ukraine giữ quyền tiếp tục chiến dịch tại miền Đông nếu thỏa thuận Geneva không được thực hiện.
Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Catherine Ashton tuyên bố EU hoan nghênh Ukraine cam kết cải cách hiến pháp minh bạch và toàn diện. Bà cho biết EU quyết định ngay lập tức thực hiện một loạt biện pháp cụ thể. Theo bà, phái bộ quan sát viên đặc biệt sẽ đóng vai trò quyết định trong tiến trình này.
Chủ tịch luân phiên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Didier Burkhalter khẳng định phái bộ giám sát đặc biệt của tổ chức này sẵn sàng đóng vai trò đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng tại Ukraine. Ông cũng bày tỏ hy vọng nhận được sự hỗ trợ lớn hơn của các nước về tài chính trị và nhân sự. Hiện ở Ukraine có 120 quan sát viên OSCE đang hoạt động.
Người phát ngôn NATO cũng hoan nghênh kết quả cuộc đàm phán 4 bên tại Geneva về Ukraine, đồng thời cho biết điều quan trọng là tất cả các bên phải thực hiện những thỏa thuận đạt được.
Bộ trưởng ngoại giao các nước Anh, Đức, Italy cũng lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận Geneva, coi đây là "bước ngoặt" cho cuộc khủng hoảng Ukraine và nhấn mạnh các bên cần thực hiện ngay thỏa thuận này.
TTXVN/Tin tức