Ngay sau khi nội các an ninh Israel quyết định mở cuộc tấn công trên bộ tại Dải Gaza của Palestine ngày 17/7, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng bày tỏ lo ngại, đồng thời kêu gọi Israel kiềm chế.Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hối thúc Israel chấm dứt việc gây thương vong cho thường dân Palestine, đồng thời nhấn mạnh rằng cuộc xung đột này không thể giải quyết bằng giải pháp quân sự.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius bày tỏ hết sức lo ngại về cuộc tấn công trên bộ của Israel và kêu gọi Tel Aviv kiềm chế. Ông nhấn mạnh bảo vệ thường dân và tránh gây thêm thương vong là nhiệm vụ quan trọng. Dự kiến, ông Fabius sẽ gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Cairo ngày 18/7 trong chuyến công du 3 ngày tới khu vực để đảm bảo một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.
Chính quyền Mỹ cũng chỉ trích Israel đã không nỗ lực ngăn thương vong cho người dân ở Gaza. Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki mô tả việc trẻ em thiệt mạng trong chiến dịch của Israel là "kinh hoàng", đồng thời đề nghị Israel "cố gắng gấp đôi" để tránh làm dân thường thương vong. Bên cạnh đó, bà Psaki cũng lên án hành động bắn rocket và súng cối vào các mục tiêu dân sự của Israel.
Về phần mình, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã có những lời chỉ trích mạnh nhất từ trước tới nay đối với Israel khi ông cáo buộc Tel Aviv cố tình tiến hành một "cuộc diệt chủng có hệ thống" chống lại người Palestine. Trước đó, ông đã cảnh báo rằng các chiến dịch của Israel sẽ gây nguy hại tới các nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Israel.
Thổ Nhĩ Kỳ vốn là đồng minh chủ chốt của Israel trong thế giới Hồi giáo, tuy nhiên quan hệ giữa hai bên đã trở nên căng thẳng từ khi ông Erdogan lên nắm quyền cách đây một thập kỷ, nhất là sau vụ Hải quân Israel tấn công một tàu chở hàng viện trợ của Thổ Nhĩ Kỳ tại vùng biển quốc tế khi đang trên đường tới Gaza ngày 31/5/2010, làm 10 người Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.
Xe tăng của Israel tại khu vực gần biên giới với Dải Gaza ngày 17/7, ngày thứ 10 của chiến dịch bảo vệ biên giới. Ảnh: THX - TTXVN
|
Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng lên án "hành động leo thang" của Israel tại Gaza và một lần nữa đề nghị các bên chấp nhận đề xuất ngừng bắn của Cairo. Trong tuyên bố của mình, Bộ trên nhấn mạnh rằng: "Các cuộc không kích và chiến dịch tấn công trên bộ chỉ làm tình hình nghiêm trọng hơn và không giúp bảo vệ an ninh cho Israel".
Tuyên bố kêu gọi cả Israel và Hamas chấp nhận "ngay lập tức và vô điều kiện" đề xuất ngừng bắn của Ai Cập vì việc này sẽ giúp bảo vệ nhân dân Palestine. Tuyên bố cũng nêu rõ rằng "đây là cách duy nhất để chấm dứt thù địch và ngăn chặn đổ máu". Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukri cho rằng Hamas đã có thể cứu sống hàng chục người nếu nhất trí với đề xuất ngừng bắn của Ai Cập mà Israel đã chấp thuận hồi đầu tuần.
Trong phản ứng của mình, Tổng thống Palestine Abbas kêu gọi Israel ngừng ngay chiến dịch tấn công trên bộ vào Gaza, đồng thời khẳng định rằng hành động này chỉ làm tăng thêm đổ máu và cản trở các nỗ lực chấm dứt xung đột. Trong khi đó, người phát ngôn Hamas Sami Abu Zuhri cảnh báo Israel sẽ phải "trả giá đắt" vì cuộc tấn công, và thủ lĩnh Hamas Khaled Meshaal khẳng định chiến dịch này "sẽ chỉ thất bại". Hamas còn tuyên bố sẽ tiếp tục từ chối bất kỳ sáng kiến ngừng bắn nào nếu các điều kiện của nhóm này không được đáp ứng.
Chiến dịch tấn công trên bộ của Israel đã bắt đầu sau 10 ngày tiến hành không kích Gaza là 248 người Palestine thiệt mạng. Nạn nhân mới nhất là một phụ nữ ở thành phố Rafah. Theo Trung tâm Nhân quyền Palestine (có trụ sở tại Gaza), hơn 80% nạn nhân là dân thường. Ngoài ra, ít nhất 1.690 người Palestine bị thương.
Quân đội Israel nhận định rằng các vụ bắn rocket từ Gaza vào Israel sẽ gia tăng trong chiến dịch trên bộ đang diễn ra, thậm chí cho rằng Hamas đã sẵn sàng cho một cuộc xâm nhập trên bộ, sử dụng lính bắn tỉa, rocket chống tăng cùng với các hoạt động ngầm khác. Sáng 18/7, Israel đã thông qua lệnh nhập ngũ 18.000 lính dự bị mới, nâng tổng số binh sĩ được gọi nhập ngũ kể từ khi bắt đầu chiến dịch ở Gaza lên thành 65.000 người.
Trong một diễn biến khác, tại một cuộc hội đàm ở Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Tổng thống Palestine Abbas đã thảo luận cách chấm dứt các cuộc tấn công của Israel vào Gaza. Hai nhà lãnh đạo khẳng định "cần ngừng bắn ngay lập tức" theo một kế hoạch chấm dứt xung đột mà Ai Cập soạn thảo. Sáng kiến của Ai Cập kêu gọi trở lại thỏa thuận ngừng bắn năm 2012, cũng do Ai Cập làm trung gian, theo đó nới lỏng các hạn chế đối với hàng hóa qua biên giới.
Israel đã nhất trí với sáng kiến này, tuy nhiên Hamas bác bỏ và đề nghị thay đổi một số nội dung trong thỏa thuận. Tại cuộc gặp trên, hai bên cũng nhất trí cần tổ chức khẩn cấp một hội nghị các nhà tài trợ để tái thiết Gaza, và cho rằng bên cạnh cửa khẩu Rafah giữa Gaza với Ai Cập, các cửa khẩu giữa Israel với Gaza cũng cần được mở để tạo điều kiện cho việc đi lại và giao thương.
TTXVN/ Tin tức