Ngày 9/11, nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ sự quan ngại trước việc Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena quyết định giải tán Quốc hội, động thái được đánh giá là khiến cuộc khủng hoảng chính trị tại đảo quốc Ấn Độ Dương này trở nên sâu sắc hơn.
Trong một tuyên bố trên tài khoản Twitter, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết "Washington quan ngại sâu sắc trước tin Quốc hội Sri Lanka bị giải tán, càng khiến cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này thêm trầm trọng." Tuyên bố nêu rõ là một đối tác của Sri Lanka, Mỹ hy vọng các thể chế và tiến trình dân chủ tại nước này cần được tôn trọng nhằm đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng.
Trong khi đó, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương Mark Field cũng bày tỏ lo ngại về động thái giải tán Quốc hội của Tổng thống Sri Lanka. Ông nói: "Với tư cách là người bạn của Sri Lanka, Anh kêu gọi các bên duy trì hiến pháp cũng như tôn trọng các thể chế và tiến trình dân chủ".
Trên tài khoản Twitter, Bộ Ngoại giao Canada cũng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về quyết định của Tổng thống Sri Lanka và đề cập đến những mối đe dọa đối với hoạt động tái hòa giải tại nước này sau cuộc nội chiến.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho rằng động thái này của Colombo làm suy yếu truyền thống dân chủ lâu nay của Sri Lanka, tiềm ẩn rủi ro đe dọa sự ổn định và thịnh vượng của đảo quốc Ấn Độ Dương này.
Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena đã tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử vào đầu năm tới - cụ thể là ngày 5/1/2019.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka vẫn chưa có dấu hiệu vãn hồi liên quan đến quyết định của Tổng thống Sirisena về việc bổ nhiệm cựu Tổng thống Mahinda Rajapakse làm Thủ tướng, thay thế ông Ranil Wickremesinghe. Theo người phát ngôn đảng Liên minh tự do nhân dân đoàn kết (UPFA) của Tổng thống Sirisena, ông Rajapakse hiện vẫn thiếu 8 phiếu ủng hộ để có được 113 phiếu/225 phiếu ủng hộ - điều kiện cần và đủ để vượt qua cuộc "sát hạch" chức thủ tướng.
Trong khi đó, dù bị Tổng thống Sirisena cách chức, ông Wickremesinghe vẫn kiên quyết không rời nhiệm sở, đồng thời yêu cầu một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội để chứng minh ông vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ.
Quốc hội Sri Lanka đã bị đình chỉ chỉ một ngày sau khi Tổng thống Sirisena cách chức Thủ tướng Wickremesinghe hôm 26/10 vừa qua. Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, ông Sirisena hai lần tuyên bố dừng đình chỉ hoạt động Quốc hội. Trong tuyên bố mới đây, ông Sirisena thông báo sẽ triệu tập cuộc họp Quốc hội ngày 14/11. Tuy nhiên, cuộc họp này cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa diễn ra.