Các tổ chức quốc tế hàng đầu như Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã bày tỏ vô cùng quan ngại trước tình hình bất ổn ngày 31/8 tại thủ đô Kiev của Ukraine sau khi Quốc hội nước này thông qua lần một những sửa đổi liên quan đến việc phân cấp quyền lực. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nội vụ, đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng bảo vệ pháp luật đã làm 1 người chết và 130 người bị thương phải nhập viện.Trước tình hình đó, ngày 31/8, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các bên tham gia tiến trình chính trị tại Ukraine hết sức kiềm chế, giải quyết bất đồng bằng con đường hòa bình và theo đúng luật pháp Ukraine. Ủy viên châu Âu về ngoại giao và an ninh Federica Mogherini nhấn mạnh không nên để bạo lực tại Kiev phá vỡ việc thực hiện thỏa thuận Minsk. Bà Mogherini ủng hộ Ukraine sửa đổi Hiến pháp theo hướng phân quyền, cân bằng lại quyền lực giữa trung ương và các khu vực, và là một “bước đi quan trọng” để thực hiện thỏa thuận Minsk.
Cảnh sát Ukraine hỗ trợ đồng đội bị thương tại Kiev ngày 31/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Về phần mình, Chủ tịch Đại Hội đồng Nghị viện OSCE Ilkka Kanerva lên án những đụng độ xảy ra ngày 31/8 trước trụ sở Quốc hội Ukraine nhằm phản đối thông qua sửa đổi Hiến pháp. Ông chia buồn với gia đình các nạn nhân và kêu gọi chính quyền Ukraine nghiêm trị những kẻ gây bạo lực. Trong khi đó, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố Washington ủng hộ Quốc hội Ukraine thông qua sửa đổi Hiến pháp để phân cấp quyền lực, đồng thời lên án bạo lực và bất ổn tại Kiev.
Trước đó cùng ngày, hơn 3.000 người đã tập trung biểu tình trước trụ sở Quốc hội Ukraine và ngay khi Quốc hội thông qua lần thứ nhất sửa đổi Hiến pháp nhằm phân cấp quyền lực tại Ukraine, người biểu tình đã có những hành động quá khích, kể cả ném lựu đạn về phía các nhân viên bảo vệ pháp luật làm một vệ binh bị tử thương. Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cho biết cảnh sát đã bắt giữ được kẻ ném lựu đạn, được xác định là chỉ huy một tiểu đoàn tình nguyện viên tuần tra “Sich” thuộc Bộ Nội vụ và là thành viên của đảng Tự do. Hiện chưa rõ vì sao viên chỉ huy đang nghỉ phép này có được vũ khí. Trong đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng bảo vệ trật tự hơn 130 người đã bị thương, trong đó 7 người bị thương nặng.
Trước những diễn biến bất ổn, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cam kết tất cả những kẻ chủ mưu gây ra đụng độ trước Quốc hội sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Trước đó, với 265 phiếu thuận và 87 phiếu chống, Quốc hội Ukraine đã thông qua thứ nhất sửa đổi Hiến pháp về phân cấp quyền lực, theo đó nhấn mạnh vào việc trao cho chính quyền các tỉnh miền Đông quyền tự quyết lớn hơn. Đây là nội dung gây mâu thuẫn gay gắt nhất giữa Kiev và các khu vực miền Đông đòi độc lập. Trong khi hai nước CH tự xưng tại miền Đông muốn có được một quy chế đặc biệt, như thỏa thuận Minsk cũng đã quy định, chính quyền của Tổng thống Poroshenko kiên quyết bác bỏ điều này. Trong đệ trình sửa đổi Hiến pháp ngày 31/8, ông tuyên bố đã xóa tất cả những quy định có thể trao quy chế đặc biệt cho khu vực miền Đông, cụ thể là điều 92 Hiến pháp quy định khả năng lý thuyết một số thành phố có thể được trao quy chế đặc biệt.
Phiên bỏ phiếu ngày 31/8 cũng diễn ra rất căng thẳng khi có tới ba chính đảng trong liên minh cầm quyền phản đối việc bỏ phiếu vì không ủng hộ việc phân cấp quyền lực cho các địa phương. Một nghị sỹ thuộc chính đảng của Tổng thống đã viết đơn xin ra khỏi khối nghị sỹ trong Quốc hội để phản đối những sửa đổi này.
Theo Hiến pháp Ukraine, dự thảo sửa đổi vẫn cần phải được Quốc hội thông qua lần hai với tỷ lệ ủng hộ bắt buộc là tối thiểu 300 phiếu. Tuy nhiên, phiên họp toàn thể dự kiến vào ngày 1/9 nhiều khả năng sẽ phải hoãn lại cho tới tháng Mười.