Tuy nhiên, quỹ hưu trí khổng lồ của Canada có tên là CPPIB, ở trong Top 10 quỹ lớn nhất thế giới về quy mô, vẫn bảo vệ kế hoạch mở rộng hoạt động tại thị trường Trung Quốc.
Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sỹ), Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành CPPIB Mark Machin khẳng định trong bối cảnh Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là thị trường trái phiếu lớn thứ ba toàn cầu, CPPIB nhận thấy tiềm năng đa dạng hóa danh mục đầu tư của quỹ tại đây.
CPPIB có kế hoạch đến năm 2025 tăng gấp đôi đầu tư vào Trung Quốc. Hiện tỷ trọng vốn đổ vào Trung Quốc trong danh mục đầu tư của quỹ là 7,6%.
Ông Machin thừa nhận những khó khăn đối với các doanh nghiệp Canada đang gia tăng, khi quan hệ ngoại giao kém thuận lợi giữa Mỹ và Trung Quốc đã lan sang Canada. Ngoại trưởng Canada Freeland thừa nhận: “Đây là thời điểm phức tạp và khó khăn trong mối quan hệ ngoại giao của Canada với Trung Quốc”.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada. “Người khổng lồ châu Á” này là một trong những khách hàng mua nhiều nông sản nhất của Canada, đồng thời là một thị trường đang tăng trưởng đối với các ngân hàng, các hãng bảo hiểm và các nhà sản xuất đồ xa xỉ phẩm của “xứ sở lá phong”.
Trung Quốc đứng thứ hai trong danh sách các nước mua nhiều sản phẩm gỗ mềm của Canada. Trước khi xảy ra vụ việc liên quan tới Giám đốc Tài chính (CFO) Huawei Mạnh Vãn Chu, các doanh nghiệp Canada từng đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc do Canada vẫn chưa giải quyết được xung đột với Mỹ trong lĩnh vực gỗ mềm.