IMF cảnh báo rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể gây ra những hệ lụy rộng lớn hơn, bao gồm cả an ninh lương thực toàn cầu do giá tăng và mùa vụ bất ổn, đặc biệt là đối với lúa mì. Theo đó, nếu cuộc xung đột sớm được giải quyết, Ukraine vẫn bị sụt giảm 10% sản lượng trong năm nay. IMF cũng cho rằng có “sự không chắc chắn đáng kể” xung quanh những dự báo này, và nếu cuộc xung đột kéo dài, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. IMF trích dẫn dữ liệu trong thời chiến về các cuộc xung đột tại Iraq, Liban, Syria và Yemen và nhấn mạnh “sự sụt giảm sản lượng hàng năm thậm chí có thể cao hơn nhiều, ở mức từ 25-30%”.
IMF lưu ý rằng nền kinh tế của Ukraine tăng trưởng 3.2% trong năm 2021 trong bối cảnh thu hoạch ngũ cốc cao kỷ lục và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ, tuy nhiên, sau khi xảy ra xung đột với Nga, nền kinh tế của Ukraine đã thay đổi đáng kể.
Trước đó, IMF đã phê duyệt khoản viện trợ giải ngân nhanh trị giá 1,4 tỷ USD cho Ukraine. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã chuyển gần 500 triệu USD cho Ukraine trong khuôn khổ gói tài trợ dự kiến lên tới 3 tỷ USD. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ hôm 9/3 đã phê duyệt khoản viện trợ 14 tỷ USD cho Ukraine.