Ngày 11/3, Tổng thống Ukraine tạm quyền Oleksandr Turchynov tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 tới tại Crimea (Crưm) về việc sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Nga là một sự "giả tạo" mà kết quả sẽ được ấn định tại Moskva. Trong bài phỏng vấn độc quyền dành cho hãng tin AFP chỉ vài giờ sau khi giới chức thân Nga tại Crime bỏ phiếu ủng hộ việc độc lập hoàn toàn khỏi Ukraine, ông Turchynov nói: "Cái mà họ gọi là trưng cầu dân ý sẽ không diễn ra tại Crimea mà tại các văn phòng của Điện Kremlin".
Ông Turchynov cũng cho biết Ukraine sẽ không cố gắng có hành động quân sự nhằm ngăn cản việc ly khai của bán đảo Crimea, qua đó tránh để biên giới phía Đông của nước này rơi vào tình thế nguy hiểm. Ông khẳng định: "Chúng ta không thể phát động chiến dịch quân sự tại Crimea vì sẽ làm 'hở sườn' biên giới phía Đông và Ukraine sẽ không được bảo vệ".
Thành viên đơn vị tự quản của Crimea kiểm tra hộ chiếu của một hành khách tại một nhà ga ở Simferopol ngày 11/3. Ảnh: Reuters |
Cùng ngày, Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) Didier Burkhalter nói rằng cuộc trưng cầu dân ý sắp được tổ chức tại bán đảo Crimea về sáp nhập Nga là vi phạm hiến pháp Ukraine. Trong một tuyên bố, ông Burkhalter nói: "Hình thức trưng cầu dân ý hiện tại liên quan đến Crimea, dự kiến vào ngày 16/3/2014, là trái với Hiến pháp Ukraine và phải bị coi là bất hợp pháp".
Ông Burkhalter cũng bác bỏ việc OSCE sẽ giám sát cuộc trưng cần dân ý ở Crimea, nơi lực lượng thân Nga đã giành quyền kiểm soát sau khi những người biểu tình ủng hộ châu Âu lật đổ những đồng minh của Điện Kremlin ở Kiev.
Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 11/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi hành động của Nga tại bán đảo Crimea của Ukraine là "một sự thôn tính". Một nguồn tin từ đảng của bà Merkel cho biết trong cuộc gặp với các nghị sĩ thuộc đảng bảo thủ của mình, Thủ tướng Đức khẳng định Nga trên thực tế đã "đánh cắp" bán đảo Crimea và cho rằng "có thể gọi đây là một sự thôn tính".
Thủ tướng Merkel tuyên bố không được để Nga thoát trách nhiệm với hành động của mình ở Crimea và nhấn mạnh sự cần thiết của cách tiếp cận trên 3 hướng. Đó là giúp đỡ Ukraine, duy trì đối thoại với Moskva, đồng thời thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Điện Kremlin - trong đó có áp đặt trừng phạt.
Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói rõ rằng cách phản hồi của Moskva với các đề xuất nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine của Washington là không đủ và không tạo điều kiện cho một giải pháp ngoại giao.
T.N (theo AFP/Reuters)