Theo phóng viên TTXVN tại Paris, sáng kiến do Pháp khởi xướng được cho là không mâu thuẫn với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng phần nào phản ánh nước Mỹ bị cô lập hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Pháp Macron đề xuất ý tưởng trên cách đây hơn một năm, nhưng vấp phải sự hoài nghi của các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU), do trùng với việc EU ra mắt một hiệp ước quốc phòng mang tính bước ngoặt nhằm thúc đẩy đầu tư quân sự chung.
Đến nay, 9 quốc gia gồm Đức, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã hưởng ứng sáng kiến của Pháp. Các thành viên hợp tác trên các lĩnh vực quy hoạch, phân tích khủng hoảng quân sự và nhân đạo mới, đưa ra các kế hoạch quân sự để giải quyết khủng hoảng.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker từ lâu đã ủng hộ ý tưởng EU cần có khả năng phòng thủ độc lập với NATO. Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Pháp, trong môi trường nhiều đe dọa và biến động về địa chính trị cũng như khí hậu như hiện nay, sự ra đời của Liên minh các lực lượng quân sự đưa ra thông điệp “châu Âu đã sẵn sàng, châu Âu có đủ năng lực”. Quan chức này cũng nhấn mạnh, sáng kiến này "không mâu thuẫn hoặc phá vỡ các nỗ lực phòng thủ truyền thống” của EU cũng như của NATO, mà ngược lại, cải thiện khả năng tương tác giữa các nước tham gia.