Ra phán quyết về tranh chấp ranh giới biển giữa Mauritius và Maldives

Ngày 28/4, Viện Đặc biệt thuộc Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) có trụ sở tại thành phố Hamburg của Đức đã ra phán quyết về tranh chấp liên quan tới việc phân định ranh giới trên biển giữa Mauritius và Maldives ở Ấn Độ Dương.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên toà phán quyết về tranh chấp ranh giới biển giữa Mauritius và Maldives. Ảnh: Mạnh Hùng/PV TTXVN tại Đức

Tranh chấp giữa hai quốc đảo ở Ấn Độ Dương được chuyển sang xét xử ở Viện Đặc biệt của ITLOS, một thủ tục được quy định tại Điều 15, khoản 2, Quy chế ITLOS.

Phóng viên TTXVN đưa tin từ Hamburg cho biết, phán quyết đã được Thẩm phán Jin-Hyun Paik, Chủ tịch Viện Đặc biệt, đọc tại phiên toà mở. Trong phán quyết, Toà xác lập quyền tài phán phân định thềm lục địa giữa các bên bao gồm cả thềm lục địa ngoài 200 hải lý. Toà quyết định rằng, ranh giới biển duy nhất phân định các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và các thềm lục địa của các bên trong phạm vi 200 hải lý mở rộng từ Tây sang Đông giữa các giao điểm của các ranh giới 200 hải lý tương ứng và bao gồm các đường trắc địa nối các điểm từ 1 đến với toạ độ cụ thể. Khu vực chồng lấn nằm trong phạm vi 200 hải lý của hai bên rộng khoảng 92.563 km2 và việc phân định khu vực này được tuân theo đường trắc địa với các điểm từ 1- như trên, theo đó diện tích cho Mauritius sẽ là 45.331 km2 và Maldives là 47.232 km2, tương ứng tỷ lệ được dành cho các bên là 1:0,960 nghiêng về Maldives. 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Viện Đặc biệt của ITLOS, Thẩm phán Jin-Hyun Paik (giữa) đọc phán quyết của Toà. Ảnh: Mạnh Hùng/PV TTXVN tại Đức

Tranh chấp giữa Mauritius và Maldives xảy ra sau khi Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) hồi tháng 9/2019 tuyên bố quần đảo Chagos ở phía Nam Maldives là lãnh thổ có chủ quyền của Mauritius. Sau phán quyết này, Mauritius đã yêu cầu ITLOS thực hiện phương thức xác định khoảng cách đồng đều để đo ranh giới của cả hai nước tính từ rạn san hô Blenheim thuộc quần đảo Chagos. Tuy nhiên, trong phán quyết ngày 28/4, ITLOS cho rằng khu vực chồng lấn phải được phân chia bằng phương pháp khoảng cách đồng đều và không có điểm nào từ rạn san hô Blenheim được sử dụng để vẽ đường khoảng cách đều ra 200 hải lý.

Khu vực tranh chấp nêu trên được coi là vùng biển giàu nguồn hải sản ở Ấn Độ Dương, có giá trị kinh tế lớn. Tranh chấp giữa Mauritius và Maldives là lần đầu tiên một tòa án quốc tế được yêu cầu xác định ranh giới trên biển giữa hai quốc đảo, hoặc những quốc gia bao gồm một nhóm đảo. Tham dự phiên toà đọc phán quyết có đại diện một số Đại sứ quán các nước ở Đức, trong đó có Việt Nam.

Chú thích ảnh
Các đường thẳng đồng đều tương ứng gặp nhau tại ranh giới trong vùng biển chồng lấn giữa Mauritius và Maldives. Ảnh: Mạnh Hùng/PV TTXVN tại Đức

ITLOS chính thức ra đời ngày 1/8/1996 với trụ sở chính tại thành phố Hamburg theo quy định của Phụ lục VI về Quy chế của ITLOS và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đây là thiết chế tài phán được hình thành trong khuôn khổ của các điều ước chuyên môn, có nhiệm vụ chính là giải quyết tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực luật biển bằng trình tự, thủ tục tư pháp phù hợp với UNCLOS 1982 và đưa ra kết luận tư vấn.

Mạnh Hùng (TTXVN)
40 năm UNCLOS 1982: Cơ chế hữu hiệu để giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển
40 năm UNCLOS 1982: Cơ chế hữu hiệu để giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Geneva, Tiến sĩ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023 - 2027 nhấn mạnh Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) được ký kết ngày 10/12/1982, đánh dấu lần đầu tiên thiết lập một bộ quy tắc cho các hoạt động biển và đại dương, xây dựng trật tự pháp lý mới trên biển đầy tiềm năng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN