Theo TEPCO, nước nhiễm phóng xạ rò rỉ từ 1 bể chứa nước tăng áp kết nối với tòa nhà chứa lò phản ứng số 2 trong nhà máy Fukushima số 1. Nước rò rỉ tích tụ ở tầng hầm đầu tiên của tòa nhà chứa lò phản ứng khiến mực nước nhiễm xạ tăng lên. Tuy nhiên, TEPCO khẳng định nước nhiễm xạ không thoát ra ngoài tòa nhà chứa lò phản ứng.
Hiện tượng rò rỉ được phát hiện đầu tiên vào ngày 9/8, khi mực nước trong bể chứa nước tăng áp giảm. TEPCO cho biết có kế hoạch sử dụng một robot điều khiển từ xa để đo mức độ bức xạ vào ngày 16/8 và xác định chính xác vị trí và nguyên nhân rò rỉ.
Tháng 3/2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần, ảnh hưởng tới nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. TEPCO đã phải xử lý hàng trăm bể chứa hơn 1 triệu tấn nước nhiễm các chất phóng xạ sau khi làm mát lò phản ứng. Lượng nước thải đã trải qua một quá trình xử lý và loại bỏ hầu hết các chất phóng xạ, trừ chất tritium. Lượng tritium còn lại sau đó được pha loãng đến tỷ lệ 1/40, nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản, trước khi được xả ra Thái Bình Dương qua một đường ống ngầm dài 1 km từ nhà máy. Các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển.
Việc xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển bắt đầu được tiến hành từ tháng 8/2023 và đợt xả nước thứ 8 bắt đầu vào tuần trước. Trong năm tài chính 2024, TEPCO dự kiến xả tổng cộng 54.600 tấn nước nhiễm xạ đã qua xử lý trong 7 đợt.