Theo tờ Telegraph, đó là robot ngầm điều khiển từ xa (ROV) của Pháp. Robot này đã bắt đầu tìm tàu Titan và dự kiến tới khu vực xác tàu Titanic trong vài giờ. Khu vực xác tàu Titanic là điểm đến dự kiến của tàu lặn Titan.
Thông tin trên xuất hiện khi chiến dịch giải cứu tàu lặn Titan mất tích đã đạt đến giai đoạn quan trọng và nguồn cung cấp oxy trên tàu này được cho là đã cạn kiệt.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết con tàu Titan còn khoảng 96 giờ oxy kể từ khi nó mất tích vào 18/6, ước tính nguồn cung cấp sẽ cạn kiệt vào khoảng sáng 22/6 (giờ Mỹ). Các chuyên gia cho rằng vấn đề oxy còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như liệu tàu còn hoạt động hay không và sự bình tĩnh của những người có mặt trong tàu lặn.
Nhiều tàu cứu hộ đã đến để hỗ trợ tìm kiếm tàu Titan mất tích nhưng đội cứu hộ đặt hy vọng vào robot dưới nước của Pháp có tên Victor 6.000 nói trên. Robot Victor 6000 có khả năng đạt đến độ sâu ở vị trí có xác tàu đắm Titanic, tức khoảng 3.810 m so với mặt biển.
Ông Rob Larter, một chuyên gia hàng hải thuộc Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, cho biết robot này là hy vọng chính cho nhiệm vụ giải cứu khả thi.
Robot cũng có một hệ thống chiếu sáng mạnh mẽ có thể giúp nó xác định vị trí của tàu Titan trong môi trường hoàn toàn tối.
Ông Olivier Lefort, người phụ trách các hoạt động hải quân tại Ifremer - viện nghiên cứu đại dương của Pháp và là đơn vị vận hành robot – cho biết: “Victor có thể tìm kiếm bằng hình ảnh với tất cả các thiết bị video mà nó có. Nó cũng được trang bị các cánh tay điều khiển có thể được sử dụng để giải thoát tàu ngầm, chẳng hạn như bằng cách cắt dây cáp hoặc những thứ có thể chặn nó ở phía dưới”.
Cánh tay robot có thể điều khiển từ xa để giúp lai dắt một con tàu bị mắc kẹt hoặc móc cánh tay đó vào tàu để kéo tàu lên.
Robot này được vận hành bởi một nhóm gồm 25 người. Ông Lefort nói thêm: “Chúng tôi có thể làm việc không ngừng nghỉ tới 72 giờ, chúng tôi không cần phải dừng lại vào ban đêm”.
Hiện Hải quân Mỹ cũng đang gửi một hệ thống trục vớt đặc biệt được thiết kế để nâng các vật thể lớn dưới đáy biển.
Trong khi đó, một người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak thông báo nước này đã triển khai lực lượng hải quân tàu ngầm phối hợp với nhóm tìm kiếm tàu lặn Titan. Bên cạnh đó, một máy bay chở thiết bị thương mại chuyên dụng cũng đã cất cánh từ Anh tới khu vực hỗ trợ hoạt động tìm kiếm.
Trước đó, ngày 21/6, lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết họ vẫn hy vọng sau khi sonar phát hiện tiếng động dưới nước ở khu vực Bắc Đại Tây Dương, nơi tàu Titan đã biến mất.
Một chiếc máy bay P-8 của Canada tham gia tìm kiếm đã nghe thấy những tiếng va đập lặp đi lặp lại đều đặn 30 phút/lần. Hệ thống sonar được triển khai 4 giờ sau đó và vẫn nghe thấy những âm thanh này.
CNN đưa tin một báo cáo nội bộ của Chính phủ Mỹ xác nhận sonar đã thu được những âm thanh này, nhưng báo cáo không đề cập thời điểm ghi nhận tiếng động hoặc nguồn gốc tiếng động.
Tàu lặn Titan thuộc sở hữu của công ty tư nhân Ocean Gate - công ty chuyên vận hành và cung cấp dịch vụ thám hiểm đại dương, bao gồm chuyến tham quan xác tàu Titanic. Tàu chở 5 người đã mất hoàn toàn liên lạc sau gần 2 giờ đồng hồ lặn xuống đáy đại dương hôm 18/6.
Vào năm 1912, con tàu nổi tiếng Titanic đã va phải tảng băng trôi và chìm trong chuyến hành trình đầu tiên từ Anh đến New York (Mỹ) với 2.224 hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu. Trên 1.500 người thiệt mạng trong thảm kịch. Xác tàu nằm ở độ sâu khoảng 3.800 m dưới đáy Đại Tây Dương, ở khu vực ngoài khơi Newfoundland, Canada. Kể từ khi xác tàu Titanic được tìm thấy vào năm 1985, nhiều du khách và những thợ lặn chuyên nghiệp đã tham quan xác tàu với chi phí đắt đỏ. Để được tận mắt ngắm xác tàu Titanic, một du khách phải chi 250.000 USD cho Ocean Gate - theo mức giá công bố năm ngoái.