Theo đài Sputnik, mục tiêu chính của hệ thống là tạo điều kiện thuận lợi cho nuôi cấy phôi động vật dùng cho các mục đích khoa học, nhưng về lý thuyết, hệ thống này có thể được sử dụng cho phôi người.
Kết luận trên được đưa ra trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Kỹ thuật Y sinh.
Các nhà khoa học tại Viện Kỹ thuật và Công nghệ Y sinh Tô Châu đã thử nghiệm hoạt động của robot trên phôi chuột. Tử cung nhân tạo do viện này phát triển gồm một số khoang chứa hỗn hợp chất dinh dưỡng mà phôi được đặt vào đó. Trước đây, các nhà nghiên cứu phải theo dõi, ghi lại tình trạng của phôi và điều chỉnh hoạt động của robot thủ công.
“Bảo mẫu” robot AI sẽ theo dõi các phôi thai suốt ngày đêm, tạo ra những hình ảnh siêu rõ nét về phôi thông qua một hệ thống cảm biến và thấu kính, cũng như điều chỉnh nhiệt độ, nguồn cung cấp không khí, nước và dinh dưỡng theo thời gian thực. AI cũng biết phôi nào phát triển không thuận lợi hoặc chết để có thể kịp thời loại bỏ khỏi tử cung nhân tạo.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng công nghệ này sẽ giúp ích trong nghiên cứu phát triển bào thai và hình thành dị tật bẩm sinh.
Các nhà khoa học trên khắp thế giới đã đạt tiến bộ rõ ràng trong tạo ra tử cung nhân tạo hoàn chỉnh. Vào năm 2019, các nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh đã có thể đưa một trứng khỉ thụ tinh đến giai đoạn hình thành cơ quan mà không cần cơ thể mẹ. Các nhà sinh vật học Israel cũng đã nuôi cấy thành công phôi của chuột đến nửa thai kỳ.
Tuy nhiên, thử nghiệm lâm sàng liên quan đến trẻ sơ sinh vẫn là chặng đường xa. Hiện nay, công nghệ tử cung nhân tạo là công cụ để giải quyết tình trạng sinh non bằng cách không giữ phôi thai trong môi trường mở mà trong điều kiện mô phỏng tử cung. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghiên cứu cần làm để thực hiện quá trình này.
Ông Matt Kemp, Giám đốc phòng thí nghiệm về thai nghén tại Tổ chức Nghiên cứu Phụ nữ & Trẻ sơ sinh cho rằng việc đưa sản phẩm này vào ứng dụng lâm sàng sẽ vô cùng khó khăn.