Thông báo của quân đội Iraq không nêu rõ chi tiết vụ việc. Một số nhân chứng cho biết đã nghe thấy tiếng nổ lớn ở trung tâm Baghdad vào đêm 19/5, theo giờ địa phương. Ngoài ra, hai nguồn tin ngoại giao ở Baghdad cũng cho biết đã nghe thấy tiếng nổ ở Vùng Xanh.
Bộ Chỉ huy Trung tâm của Mỹ (CENTCOM) đã xác nhận xảy ra một vụ nổ bên ngoài khu Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad song không gây thương vong. Người phát ngôn CENTCOM, ông Bill Urban cho biết lực lượng an ninh Iraq đang điều tra vụ việc. Trong khi đó, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết một quả rocket "thô sơ" đã bắn vào Khu vực Quốc tế gần Đại sứ quán Mỹ và không có ảnh hưởng hoặc tổn thất đáng kể đối với bất kỳ cơ sở có người ở nào của Mỹ. Người phát ngôn này nhấn mạnh những vụ tấn công như vậy sẽ bị đáp trả "một cách kiên quyết" và Mỹ sẽ quy trách nhiệm cho Iran "nếu những vụ tấn công như vậy do các lực lượng được Tehran ủy nhiệm tiến hành".
Vùng Xanh có diện tích khoảng 10km2 ở trung tâm thủ đô Baghdad, là một trong những khu vực an ninh nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Tại khu vực này có tòa nhà Quốc hội, văn phòng Thủ tướng Iraq, văn phòng Tổng thống Iraq cùng nhiều cơ quan đầu não khác cũng như nhà ở của các quan chức hàng đầu và các đại sứ quán nước ngoài ở Iraq. Hiện chưa có tổ chức nào nhận đứng sau vụ bẵn rocket trên.
Vụ việc diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực căng thẳng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với nước này. Căng thẳng leo thang sau khi Mỹ chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran. Mỹ đã điều động nhiều khí tài quân sự, trong đó có các máy bay ném bom và tàu sân bay tới Trung Đông là để đối phó với điều mà Washington gọi là "các mối đe dọa từ Iran". Mới đây Mỹ đã rút các nhân viên ngoại giao không trọng yếu từ Iraq về nước, viện dẫn các mối đe dọa từ những tổ chức vũ trang Iraq được Iran hậu thuẫn.
Về phần mình, Iran cho rằng Mỹ đang kích động "chiến tranh tâm lý" đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ có hành động khiêu khích. Chính quyền Tehran cũng đã thông báo tạm ngừng thực thi một số điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân ký với các cường quốc hồi năm 2015, cảnh báo sẽ chặn tuyến vận tải qua Eo biển Hormuz trong trường hợp xảy ra đối đầu quân sự với Washington.