Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở thành phố Verona của Italy, ông Sechin cho biết: "Tất cả các hợp đồng xuất khẩu của chúng tôi đều đang được thực hiện bằng đồng euro và tiềm năng làm việc bằng đồng tiền này rất cao”. Ông cho hay, hiện tại đây là biện pháp bắt buộc để có thể bảo vệ Rosneft trước tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tập đoàn sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất của Nga là Novatek ngày 24/10 cũng cho biết đã chuyển tiền tệ ở hầu hết các hợp đồng của tập đoàn này sang đồng euro để tránh ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Washington.
Mỹ đã đe dọa sẽ trừng phạt Rosneft vì hoạt động của tập đoàn này ở Venezuela, động thái mà Rosneft cho là phi pháp. Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi một loạt lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính khác của Mỹ.
Việc Rosneft chuyển sang sử dụng đồng euro diễn ra trong bối cảnh các công ty Nga đang nỗ lực tìm cách thực hiện các giao dịch quốc tế mà không dùng đồng USD. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi chống đôla hóa nhằm hạn chế khả năng bị ảnh hưởng trước nguy cơ Mỹ đưa ra thêm các lệnh trừng phạt nữa đối với Nga, trong khi Ngân hàng Trung ương Nga đã giảm lượng trái phiếu chính phủ của Mỹ trong kho dự trữ của mình vào năm 2018.
Tuy nhiên, quyết định mới nhất của Rosneft cũng có nhược điểm, khi theo chính sách lãi suất âm hiện hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), các thể chế tài chính buộc phải trả lãi khi gửi tiền tại ngân hàng này. Ông Alexander Losev, người đứng đầu Công ty quản lý tài sản Sputnik, cho rằng không có ý nghĩa gì khi dự trữ một đồng tiền với lãi suất âm.
Tỷ trọng đồng USD trong kim ngạch xuất khẩu của Nga đang trên đà tăng kể từ năm 2015. Theo nhận định của giới chuyên gia, việc Rosneft chuyển sang sử dụng đồng bạc xanh không thể tác động đến thị trường tiền tệ của Nga. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia, khi cho rằng Rosneft vẫn cần phải đổi tiền euro để đóng thuế và thực hiện các nhu cầu khác ở Nga.