Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sake năm 2022 tăng 18,2% so với năm 2021, lên 47,4 tỷ yen (khoảng 340 triệu USD), một phần là nhờ các nhà sản xuất trẻ nhắm đến phân khúc khách hàng hạng sang với các sản phẩm thượng hạng, từng bước thúc đẩy một văn hóa sake ở nước ngoài.
Hirokuni Okura, 44 tuổi, vị giám đốc thế hệ thứ 4 của công ty đồ uống Suigei, là một ví dụ điển hình. Doanh nhân này đã sử dụng kinh nghiệm marketing của mình để trực tiếp quảng các sản phẩm của Suigei ở Mỹ. Thiết kế mẫu mã mới hình đuôi cá voi của loại rượu Daito (tên thương mại ở nước ngoài là Drunken Whale, nghĩa đen của tên công ty Suigei, là cá voi say rượu) đã trở nên quen thuộc và dễ nhận diện đối với khách hàng tại Mỹ và giúp công ty có được thành công vang dội. Kim ngạch xuất khẩu Suigei tăng lên hơn 200 triệu yen trong tài khóa 2021, gấp 10 lần trong tài khóa 2013.
Một ví dụ khác là công ty Clear, một nhà sản xuất rượu mới nổi ở Tokyo, đã cho ra mắt nhãn hiệu rượu cao cấp "Byakko" vào năm 2022, có giá gần 40.000 yen/chai 720 ml, tại một sự kiện xe hơi hạng sang Lamborghini dành cho giới nhà giàu ở Thanh Đảo, Trung Quốc. Giám đốc điều hành của Clear, ông Ryuji Ikoma cho biết công ty có kế hoạch bắt đầu xuất khẩu rượu sake trong năm nay. Ông nhấn mạnh: "Không chỉ hương vị của Byakko mà chai và hộp của cũng được thiết kế rất sang trọng”. Nhiều công ty lớn khác cũng đã triển khai sản xuất ở nước ngoài. Công ty Hakutsuru đã mở rộng thị trường xuất khẩu ra 56 quốc gia và vùng lãnh thổ và giá trị xuất khẩu đã tăng 60% trong 3 năm qua.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất rượu Sake & Shochu Nhật Bản, trong khi lượng rượu bán trong nước tiếp tục giảm, nhu cầu ở nước ngoài tăng đều đặn. Xuất khẩu sake đã tăng gấp 5 lần trong thập kỷ qua và giá trung bình của mỗi chai tăng hơn gấp đôi. Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu hàng đầu trong năm 2022, Mỹ xếp vị trí thứ hai. Sự phổ biến của thức uống này cũng đang lan sang cả Hàn Quốc và Đông Nam Á.