Chính phủ của Thủ tướng Metteo Renzi một lần nữa lại phải đối mặt sức ép của dư luận khi hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poors (S&P) hạ mức tín nhiệm của Italy từ BBB xuống BBB-, sát với mức báo động.
S&P đưa ra quyết định trên do tình hình kinh tế Italy đang có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại như nợ công tăng cao, tỷ lệ tăng trưởng và sức cạnh tranh thấp. Tất cả các dấu hiệu này không còn phù hợp với mức đánh giá BBB.
Mặc dù ghi nhận nỗ lực cải cách của Thủ tướng Renzi, đặc biệt là trong lĩnh vực việc làm, nhưng S&P nhận định "về ngắn hạn, các biện pháp này chưa thể tạo thêm nhiều việc làm". S&P cũng dự báo rằng các biện pháp cải cách có thể sẽ "quyết liệt hơn trong thời gian tới nhưng cũng sẽ bị phản đối đối mạnh hơn".
Trong khi đó, chính phủ Italy vẫn đánh giá nền kinh tế nước này ổn định. Thủ tướng Renzi tuyên bố việc S&P hạ mức tín nhiệm không có nghĩa là Luật cải cách thị trường lao động không cần thiết. Trái lại, Italy càng phải đẩy nhanh quá trình cải cách. Ông Renzi cho rằng cải cách đã có những nhân tố tích cực nhưng chưa đủ để cải thiện nợ công và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Quang Thanh (P/v TTXVN tại Italy)