Do lo ngại về tiếng ồn, Kansai, nằm ở vịnh Osaka, là sân bay đầu tiên trên thế giới nằm hoàn toàn trên một hòn đảo nhân tạo lớn, khiến sân bay này có nguy cơ hứng chịu những trận bão, sóng thần hay lũ lụt. Sân bay Kansai đã dành những khoản tiền lớn vào những biện pháp bảo vệ như xây tường cao và hàng rào không thấm nước, nhưng những biện pháp này lại không phát huy hiệu quả trong siêu bão vừa qua.
Thiệt hại của sân bay Kansai đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại và du lịch, khi sân bay này phục vụ 22 triệu lượt hành khách quốc tế mỗi năm và 5.300 tỷ yen (47 tỷ USD) hàng xuất khẩu của Nhật Bản, chiếm hơn 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của “xứ sở mặt trời mọc”.
Kể từ khi siêu bão Jebi đổ bộ vào Nhật Bản ngày 4/9 vừa qua, sân bay Kansai mới chỉ vận hành chưa đến 100 chuyến bay, ít hơn nhiều so với con số 400 chuyến mỗi ngày trước đây.
Theo ông Yoshihisa Inada từ Viện nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương ở Osaka, các công ty có thể chọn các sân bay khác để xuất khẩu hàng hóa, nhưng vấn đề ở đây là du lịch. Ông Inada cho biết nếu tình hình này tiếp diễn trong một tháng nữa, không thể phục vụ du khách đồng nghĩa với việc sân bay Kansai mất đi nhiều giá trị tăng thêm từ đó.