Những đột phá công nghệ đã được chứng kiến trong các ngành dược phẩm, ô tô, ngân hàng cùng nhiều lĩnh vực khác và đang tràn sang ngành sản xuất kim cương, nơi một nhóm độc quyền chỉ gồm 4 nhà khai thác kiểm soát tới trên 60% sản lượng (theo số liệu của công ty tư vấn Bain&Company).
Trung Quốc đang tích cực áp dụng công nghệ do họ phát triển được để trở thành nhà sản xuất kim cương nhân tạo lớn nhất thế giới, loại kim cương vốn chủ yếu được sử dụng trên thị trường các công cụ cắt công nghiệp nhưng nay đang mở rộng sang lĩnh vực đồ trang sức đầy béo bở.
Bằng cách phổ cập công nghệ sản xuất kim cương, Trung Quốc hiện chiếm 56% sản lượng kim cương nhân tạo, bỏ xa quốc gia xếp thứ hai là Ấn Độ.
Ông Paul Zimnisky, nhà phân tích độc lập ngành kim cương ở New York, nhận định hiện nay kim cương nhân tạo chỉ chiếm 3,5% thị trường trang sức kim cương thế giới, nhưng có thể tăng lên 6% trong vòng 4 năm và cao hơn nữa sau đó.
“Chỉ trong vài năm qua, một số nhà sản xuất Trung Quốc đã nâng cấp thiết bị để sản xuất ra kim cương nhân tạo chất lượng tốt hơn, kích thước lớn hơn dùng cho trang sức. Trung Quốc đã có cơ sở hạ tầng cho phép sản xuất quy mô lớn kim cương nhân tạo chất lượng cao hơn sau khi nâng cấp các thiết bị tạo nhiệt độ và áp suất cao”, ông Zimnisky phát biểu với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.
Tuy nhiên, điều này đang đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng với các nhà sản xuất kim cương thế giới.
5 năm trước, một viên kim cương nhân tạo có giá chỉ bằng khoảng 10% viên kim cương tự nhiên cùng kích thước, nay thì giá đã tương đương khoảng 50%, và dự kiến trong 5 năm tới, giá kim cương nhân tạo có thể bằng 90% kim cương tự nhiên.
“Công nghệ đang tiến triển nhanh chóng, các nhà sản xuất kim cương nhân tạo không chỉ sản xuất được những viên đá lớn hơn, mà còn có màu sắc và độ trong tốt hơn”, ông Georgette Boele, nhà phân tích kim cương và kim loại quý tại ngân hàng ABN AMRO (Hà Lan) viết trong một báo cáo. “Những tính chất này giúp kim cương nhân tạo được ưa dùng hơn, đặc biệt là khi nguồn cung từ kim cương phòng nghiên cứu ổn định hơn, với mức giá hấp dẫn hơn”.
Ngành công nghiệp kim cương lâu nay là đề tài của nhiều chỉ trích về những tác động tới môi trường, sức khỏe của công nhân. Thêm nữa các thuật ngữ “kim cương máu”, “kim cương xung đột” được dùng để chỉ những hoạt động khủng bố, bạo lực liên quan tới nguồn lợi từ kim cương.
Huanghe Whirlwind International, một nhà sản xuất kim cương nhân tạo có trụ sở tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã sử dụng tính chất bền vững làm trọng tâm của chiến dịch bán hàng, với tuyên bố rằng kim cương nhân tạo là sản phẩm “hoàn hảo cho những ai muốn giảm thiểu tác động tới môi trường khi mua trang sức”, vì sản xuất kim cương nhân tạo không liên quan đến khai thác mỏ hay bất cứ xung đột nào.
Tuy nhiên, các nhà khai thác kim cương tự nhiên đã đáp trả. Hiệp hội Các nhà sản xuất Kim cương (DPA) đã tiến hành một nghiên cứu về đánh giá tác động môi trường và các rủi ro khác. Nghiên cứu của trung tâm Trucost ESG Analysis phát hiện ra rằng 7 thành viên sản xuất kim cương của Hiệp hội này chỉ thải ra trung bình 160kg carbon dioxide cho mỗi carat kim cương đã đánh bóng được sản xuất trong năm 2016. Con số này chỉ tương đương 1/3 lượng carbon dioxide mà quá trình sản xuất một viên kim cương nhân tạo tương tự thải ra.
Trucost cho biết nghiên cứu của họ bị cản trở bởi việc các nhà sản xuất kim cương nhân tạo hạn chế công khai thông tin về sử dụng năng lượng và nguyên liệu. Họ cho rằng mối đe dọa từ các nhà sản xuất kim cương nhân tạo sẽ còn tăng, trong đó lo ngại hàng đầu là giá kim cương tự nhiên sẽ bị ảnh hưởng.