Trước đó, chiều tối 30/10, dây cáp của cầu treo bị đứt khi gần 500 người, trong đó có phụ nữ và trẻ em, đang có mặt ở khu vực cầu để hành lễ trong dịp Lễ hội tôn giáo Diwali, khiến một phần cấu trúc cầu gãy, làm nhiều người rơi xuống sông Machchu bên dưới. Người đứng đầu cơ quan cảnh sát thị trấn Morbi, ông P. Dekavadiya cho biết: “Chúng tôi đã vớt được 120 thi thể. Con số này có thể còn tăng và công tác tìm kiếm vẫn đang được tiến hành khẩn trương”.
Cây cầu treo gần 150 năm tuổi này đã ngừng hoạt động trong 2 năm qua và mới được thông cầu trở lại hôm 26/10 sau 7 tháng sửa chữa nhưng chưa có giấy chứng nhận an toàn. Cầu dài 233m và rộng 1,5m, được làm bằng vật liệu nhập từ Anh, khánh thành vào năm 1880 trong thời thuộc địa của Anh.
Các cơ quan chức năng đã nhanh chóng tiến hành cứu hộ ngay sau khi vụ việc xảy ra, điều động nhiều tàu thuyền và thợ lặn để tìm kiếm người mất tích trong suốt đêm. Hàng chục binh sĩ của Hải quân và Bộ binh cũng tham gia hỗ trợ. Chính quyền có kế hoạch chặn nguồn nước tới con sông này từ đập gần đó và sử dụng máy bơm để rút nước sông.
Thủ tướng Narendra Modi đã thị sát bang Gujarat và thông báo hỗ trợ 2 lakh rupee (hơn 2.400 USD) cho thân nhân của mỗi người thiệt mạng và 50.000 rupee (hơn 600 USD) cho mỗi người bị thương trong vụ này.
Tai nạn do cơ sở hạ tầng cũ và kém chất lượng thường xảy ra tại Ấn Độ. Năm 2016, vụ sập cầu vượt trên một tuyến phố đông đúc ở thành phố Kolkata (miền Đông) đã làm ít nhất 26 người thiệt mạng. Năm 2011, một cây cầu sập gần thị trấn Darjeeling (Đông Bắc) khi có rất nhiều người tập trung dự lễ hội làm ít nhất 32 người thiệt mạng. Gần một tuần sau đó, khoảng 30 người thiệt mạng khi cầu đi bộ bắc qua sông ở bang Arunachal Pradesh (Đông Bắc) sập. Năm 2006, ít nhất 34 người thiệt mạng khi một cây cầu 150 tuổi sập vào một tuyến tàu chở khách tại ga ở bang Bihar (miền Đông).